Trong cuộc đời mỗi người làm báo đều có cho riêng mình những trải nghiệm đặc biệt. Với tôi, chuyến hải trình 20 ngày, đêm qua các đảo trên quần đảo Trường Sa cuối năm 2022 vừa qua là kỷ niệm thiêng liêng, sâu đậm nhất. Nơi đó tôi đã trải qua cảm xúc rưng rưng của một người con đất Việt lần đầu tiên được chạm tới phần biển đảo xa xôi nhất của Tổ quốc; được thấu hiểu, chia sẻ những câu chuyện của những người lính hải quân dũng cảm, kiên cường, ngày đêm canh giữ biên cương giữa ngàn trùng sóng gió…
Nếm trải “đặc sản” say sóng
Trước chuyến đi, không ít người khuyên tôi không nên ra Trường Sa dịp cuối năm bởi biển động, sóng to sẽ rất vất vả. Tuy nhiên với tôi, được có mặt trong danh sách những nhà báo tham gia chuyến công tác này đã là một niềm vinh dự rất lớn rồi và tuyệt đối không thể bỏ lỡ.
Sắp xếp gọn gàng công việc và gia đình, tôi có mặt tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Bên cạnh các hoạt động đón tiếp chu đáo tại khách sạn Navy Trường Sa, Ban tổ chức đã thực hiện test COVID-19 cho chúng tôi vài lần để đảm bảo an toàn cho đoàn công tác, cho bộ đội và nhất là cho quân và dân đang làm nhiệm vụ, sinh sống trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Thú thật là khi đó, tôi cũng như nhiều phóng viên khác đã vô cùng lo lắng, vì lỡ không may dương tính với COVID thì coi như “giấc mơ Trường Sa” phải gác lại. Rồi cũng đến ngày được lên tàu ra khơi. Tôi được bố trí đi trên con tàu Kiểm ngư 490 với lộ trình hướng đến các đảo nằm phía Bắc của quần đảo Trường Sa gồm: Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Len Đao và Sinh Tồn.
Tại quân cảng Cam Ranh, sau lễ tiễn đoàn, các tàu đồng loạt kéo vang 3 hồi còi chào tạm biệt đất liền và lần lượt nhổ neo rời cảng. Trong lúc đứng trên boong vẫy chào đất liền, tôi may mắn gặp được 3 chiến sỹ đồng hương Ninh Bình ra Trường Sa nhận nhiệm vụ lần này. Họ đều là những chàng trai mười tám, đôi mươi non nớt, lần đầu tiên xa gia đình, xa đất liền trong lòng ít nhiều lo lắng nhưng vẫn luôn khẳng định quyết tâm không hổ danh người con Ninh Bình, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.
Vừa kịp phỏng vấn, quay video, ghi lại những gương mặt đầy cảm xúc ấy gửi về tòa soạn thì cũng là lúc sóng điện thoại ngắt kết nối, bốn xung quanh con tàu giờ chỉ còn là mênh mông sóng nước. Bóng tối buông xuống, con tàu liên tục lắc lư, chao đảo.
Bữa cơm tối đầu tiên trên tàu, đoàn phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí có gần 50 người nhưng đã thiếu hơn phân nửa do bị say sóng. Tôi lúc đầu hăng hái là vậy nhưng sau mặt mũi cũng tái mét, bỏ dở chừng bát cơm để trở về phòng. Nằm bẹp trên giường, mắt nhắm nghiền, tôi vẫn nghe tiếng đồ đạc xô vào nhau lạch cạch liên hồi, rồi tiếng phát thanh từ boong chỉ huy “Toàn tàu chú ý, do điều kiện sóng to gió lớn, yêu cầu các thành viên đoàn tuyệt đối không ra ngoài boong tàu, hạn chế di chuyển, thực hiện hạ thấp đồ đạc. Chiến sỹ nào say sóng không ăn được cơm thì báo cháo để nhà bếp chuẩn bị…”.
Trải qua cơn say sóng, tôi lại càng hiểu thêm sự chịu đựng, những khó khăn, vất vả, thử thách mà cán bộ, chiến sĩ hải quân và những người làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa đã phải vượt qua.
Dạt dào cảm xúc
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, ai nấy đều hân hoan khi nghe tiếng thả neo sau đó là tiếng nhạc phát thanh vui tươi vang lên: “Kính thưa quý khách trên tàu, thưa toàn thể các đồng chí, sau nhiều giờ rẽ sóng biển xanh, vượt qua hành trình hàng trăm hải lý, con tàu đã đưa chúng ta đến khu vực đảo Song Tử Tây. Đảo cách bán đảo Cam Ranh 308 hải lý, đảo có hình bầu dục, chiều dài khoảng 700 m…”. Lúc bấy giờ, mọi người như bừng tỉnh, vội vã kéo nhau lên lên boong tàu để tận mắt chứng kiến, ghi lại những bức hình về hòn đảo thân thương trong lần đầu tiên được ghé thăm.
Tuy nhiên, niềm vui chỉ có được trong chốc lát, ngay sau đó những cuộn mây đen ùn ùn kéo đến, biển động dữ dội… Kết cục, chúng tôi đã phải đợi trên tàu suốt 5 ngày trời mới di chuyển được sang tàu Vạn Hoa để vào Song Tử Tây. Việc di chuyển từ tàu xuống xuồng rồi lên đảo và ngược lại rất vất vả đối với cánh phóng viên. Sóng to, độ chênh giữa mạn tàu, ca nô và cầu tàu liên tục dao động với khoảng cách lớn khiến việc lên xuống xuồng và tàu rất nguy hiểm, chỉ cần bước chậm hoặc không dứt khoát, lỡ nhịp đều có thể bị thương và rơi xuống biển. Thế mới biết rằng con đường đến với các hòn đảo thiêng liêng nơi đầu sóng là gian nan đến thế nào. Do thời gian lưu lại trên các đảo rất ngắn ngủi, cánh phóng viên chúng tôi đều tranh thủ từng giây từng phút để ghi hình, phỏng vấn, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và cuộc sống, quá trình công tác của các chiến sỹ.
Chuyến công tác này tôi đã gặp gỡ không ít người con Ninh Bình đang ngày ngày thầm lặng góp sức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển như: Đại úy Đào Đức Tâm, quê ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh. Sinh năm 1990, 14 năm trong quân ngũ, đến nay, Tâm đã 3 lần đi nhận nhiệm vụ ở ngoài đảo xa và đón 2 cái Tết xa nhà. Hay anh Nguyễn Văn Hậu hiện công tác tại Trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật đảo Sinh Tồn, quê ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn cũng đã đón tới 4 cái Tết ngoài đảo.
Xúc động nhất là bữa tôi lên đảo Colin gặp Thượng úy Nguyễn Văn Phi quê ở xã Yên Từ, huyện Yên Mô. Anh cho biết, năm 2021, khi anh vừa lên tàu ra đảo làm nhiệm vụ thì ở nhà báo tin ra bố mất, không có cách nào để có thể về chịu tang, và đến tận bây giờ anh vẫn chưa thể về thắp nhang cho cha…
Nếu không được đến với Trường Sa, được thâm nhập thực tế, trực tiếp gặp những con người ngày đêm quên mình bám biển, bám đảo nơi đầu sóng, ngọn gió thì không bao giờ tôi có thể cảm nhận được hết sự hy sinh của bộ đội hải quân, không bao giờ có thể hình dung được công sức lớn lao mà họ đã đóng góp, cống hiến vì sự bình yên của Tổ quốc, vì độc lập chủ quyền biển, đảo quê hương. Nhờ họ mà Trường Sa đang đổi thay từng ngày, xanh hơn, khang trang, hiện đại hơn và vững trãi hơn.
Tác nghiệp ở Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc để lại cảm xúc thiêng liêng đến lạ kỳ trong tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc khi vẫy tay chào tạm biệt các chiến sĩ trên các đảo, khoảnh khắc xúc động trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa và lúc cất vang lời lời bài hát Quốc ca trong buổi lễ chào cờ đầu tiên của năm mới 2023 trên đảo Sinh Tồn,…
Giờ đây, mỗi khi hồi tưởng lại tôi lại như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới để luôn ý thức làm tốt công việc của mình cũng như trân trọng, yêu quý hơn nghề đã chọn.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu