Tham dự Lễ kỷ niệm tổ chức sáng ngày 2/10/2024 có ông Nguyễn Dy Niên, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
Lễ kỷ niệm gồm có nghi thức dâng hoa tưởng niệm tại tượng bán thân Mahatma Gandhi trong khuôn viên Đại sứ quán với sự tham dự của Đại sứ Sandeep Arya; bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga, Phụ trách Tạp chí Nghiên cứu Á Phi thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi; bà Phùng Thị Thảo, Trưởng bộ môn Ấn Độ học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cộng đồng người Ấn Độ, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH), những người bạn của Ấn Độ tại Việt Nam cùng cán bộ nhân viên Đại sứ quán Ấn Độ.
Tại sự kiện, Đại sứ Sandeep Arya đã tưởng nhớ những cống hiến của Mahatma Gandhi trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, cải cách xã hội, môi trường, v.v… bên cạnh vai trò lãnh đạo phong trào giành độc lập của Ấn Độ. Theo Đại sứ, tầm ảnh hưởng của Mahatma Gandhi được nhiều lãnh đạo trên thế giới ghi nhận, đặc biệt Đại hội đồng Liên Hợp quốc chọn ngày sinh của Mahatma Gandhi là Ngày quốc tế bất bạo động, công nhận tính phổ quát của nguyên tắc bất bạo động với tinh thần khoan dung và thấu hiểu.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên lại đánh giá cao tầm ảnh hưởng sâu rộng của Mahatma Gandhi trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đồng thời nhớ lại chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khu tưởng niệm Mahatma Gandhi ở New Delhi năm 1958. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất ngưỡng mộ Mahatma Gandhi và từng nói “Tôi và những người khác có thể là những người cách mạng, nhưng chúng tôi đều là môn đồ của Mahatma Gandhi, dù trực tiếp hay gián tiếp”. Thú vị hơn, ông Nguyễn Dy Niên nêu những điểm tương đồng trong tính cách của hai nhà lãnh đạo và tư tưởng, hành động của họ vẫn còn nguyên giá trị với thế giới ngày nay.
Ông Nguyễn Dy Niên hồi tưởng cuộc gặp với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi hai người say sưa thảo luận về Mahatma Gandhi suốt nhiều tiếng đồng hồ. Khi ấy ông đã nói chi tiết các nguyên tắc Satyagraha (Chân lý) và Ahimsa (Bất bạo động) của Mahatma Gandhi. Ông nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta cần áp dụng tư tưởng của Gandhi để xây dựng một thế giới không bạo lực, hòa bình, thống nhất và hợp tác.
Tại sự kiện, Đại sứ quán đã chiếu một đoạn video ngắn về cuộc đời đấu tranh của Mahatma Gandhi. Cũng tại Lễ kỷ niệm, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày ca khúc “Bande Mein Tha Dum”, trong khi các đại biểu khác trích dẫn những câu nói nổi tiếng của Gandhi, ngâm thơ của thi hào nổi tiếng Harivansh Rai Bachan dành tặng Mahatma Gandhi, và bài thuyết trình về “Cuộc diễu hành muối (Diễu hành Dandi)” của Bà Phùng Thị Thảo, Trưởng Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học. Cộng đồng Ấn kiều đã hát bài ca yêu thích của Mahatma Gandhi “Vaishnav Jan to Tene Kaheyey” – từng được ca sĩ nổi tiếng Phi Nhung thể hiện.
Nhân dịp này, Đại sứ quán cũng tổ chức chiến dịch “Swachhata Hi Sewa” (Vệ sinh vì cộng đồng) lấy cảm hứng từ Mahatma Gandhi. Các cán bộ của Đại sứ quán đã tham gia chiến dịch vệ sinh tại khuôn viên Đại sứ quán.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ky-niem-155-nam-ngay-sinh-cua-mahatma-gandhi-tai-ha-noi.html