VHO – Có thể nói, sau 50 năm nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Cố đô Huế đã có sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều di sản đã được cứu vãn, bảo tồn và phục hồi.
Quan trọng là, những dấu tích xưa cũ ấy, nằm trong hoạch định bảo tồn phát triển của Huế, đang có thêm vận hội mới, khi Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương “trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế”.
Theo ông Phan Thanh Hải, những khó khăn và thách thức, từ dòng chảy thời gian đã qua và cơ hội đã đến, là không hề đơn giản. Chí ít, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế, theo ông Hải, địa phương cần triển khai tám kiến nghị giải pháp.
Trước hết, chính quyền TP. Huế cần tiếp tục kiên định, tiếp tục đẩy mạnh đề án nghiên cứu để xây dựng, phát triển hệ giá trị Văn hóa Huế – Con người Huế phù hợp với bối cảnh mới.
Thứ đến, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Di sản văn hóa và các Nghị định bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, để Luật này đi vào đời sống, để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tính ra, từ ngày 1.7.2025, Luật Di sản văn hóa mới sẽ có hiệu lực, nên phải đẩy nhanh việc tuyên truyền, phổ biến bổ Luật này đến các tầng lớp nhân dân.
Tiếp đó, TP. Huế với vị thế mới, cần thiết lập các quy định bảo tồn, phát huy giá trị di tích và các quy định phát triển kinh tế – xã hội. Cần tập trung các nguồn lực trùng tu, phục hồi, bảo tồn một số công trình kiến trúc trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế.
Địa phương phải chú ý kiểm tra tình trạng di tích, kịp có các biện pháp xử lý, nâng cao giá trị và tuổi thọ các công trình, nhất là các công trình bảo tồn, phát huy di tích như lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Cần tổ chức quy hoạch khảo cổ, vừa bảo vệ văn hóa truyền thống, vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và kêu gọi đầu tư.
Thứ tư, phải xác định di sản Huế tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân luôn là chủ thể của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nên, phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, tạo tinh thần cùng chung tay bảo vệ di sản Huế. Đồng thời, cần mở rộng mô hình xã hội hóa để thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế quan tâm vào công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế.
Thứ năm, địa phương sớm tiến hành kiểm kê, sưu tầm số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu Cố đô Huế; khuyến khích việc giữ gìn, biên soạn, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể; duy trì, phục hồi, phát triển các nghề thủ công truyền thống; nghiên cứu về phong tục tập quán, trang phục truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào các dân tộc thiểu số… Để bảo vệ những “báu vật nhân văn sống”, cần ban hành các chính sách đãi ngộ, tôn vinh và tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần để các nghệ nhân lão thành phát huy vai trò trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ sáu, triển khai các chương trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội, để xây dựng thành các sản phẩm du lịch có tính đặc trưng của vùng đất. Vấn đề này phải tiến hành song song, vừa xây dựng hệ thống các giải pháp hạn chế những tiêu cực từ du lịch số đông, vừa nâng cao chất lượng các loại hình nghệ thuật, các hoạt động như lễ hội, Festival. Cần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa lễ hội để thu hút các nguồn lực, giảm dần kinh phí bao cấp của Nhà nước.
Thứ bảy, TP. Huế cần đánh giá lại các mặt tích cực và tiêu cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Huế nhằm phục vụ phát triển; và ngược lại, tác động từ quá trình phát triển kinh tế xã hội đến công tác bảo tồn di sản. Qua đó, địa phương hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, thống nhất bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đẩy mạnh kết nối, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, tìm cơ hội quảng bá các giá trị di sản văn hóa. Huế cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ đủ kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, để tiếp thu các công nghệ tiên tiến của thế giới, ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.
Cuối cùng, các ngành du lịch, văn hóa và đầu tư kinh tế địa phương cần khai thác các yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa Huế, để phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và cạnh tranh cao, như triển khai hiệu quả Đề án Festival 4 mùa, xác định các kỳ Festival là sản phẩm du lịch chủ lực của TP. Huế, khai thác hiệu quả các thương hiệu “Huế – Kinh đô ẩm thực”, “Huế – Kinh đô áo dài”, “Huế – Thành phố lễ hội”. Quan trọng là, các ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, để nâng cao chất lượng phục vụ du khách và làm cơ sở tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa Huế ra tầm quốc tế.
Nhìn nhận 8 kiến nghị đề xuất này, ông Phan Thanh Hải chia sẻ, mọi vấn đề đổi mới, tăng cường phát triển đặt ra với TP. Huế, ngay giai đoạn đầu tiên định vị thành phố trực thuộc Trung ương, là đòi hỏi có phần gấp rút. Tuy nhiên, nhìn vào trách nhiệm bảo tồn hiệu quả và phát huy tích cực được các giá trị văn hóa di sản, nền tảng quan trọng về mặt văn hóa và xã hội, động lực để Huế khẳng định ưu thế của mình, thì những yêu cầu này, càng phải được nghiên cứu, triển khai sớm.
Nếu ngay từ đầu, Huế tạo cơ hội tích cực để thay đổi và cấu trúc lại các yêu cầu khẳng định giá trị văn hóa di sản, các nguy cơ tiềm ẩn về sau sẽ càng bị loại bỏ, định hướng phát triển bền vững những giá trị văn hóa di sản Huế càng mạnh mẽ và cho phép thu hoạch về sau càng thành công hơn.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/ky-2-co-hoi-da-den-nhung-117619.html