Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đạt được nhiều thành tựu quan trọng thực hiện mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài
Bộn bề khó khăn
Ngày 01/10/1991, tỉnh Yên Bái được tái lập theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII. Thời điểm đó, đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn nhiều khó khăn, hệ thống giáo dục, quy mô, mạng lưới trường, lớp còn nhiều bất cập. Năm học 1991 - 1992, toàn tỉnh có 340 trường, trên 5.100 lớp, trên 125.000 học sinh, trên 8.100 giáo viên, 62 xã trắng về giáo dục mầm non, hầu hết các trường vùng cao mới chỉ có đến lớp 2, lớp 3; toàn tỉnh có 4.120 phòng học trong đó hơn 60% là số phòng học tạm. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 9,2%, trẻ mẫu giáo đạt 22,9%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học đạt từ 75 - 79%; số trẻ ra lớp học đúng độ tuổi chỉ đạt 68%, số học sinh trung học cơ sở chỉ bằng 56,6% học sinh của năm 1984 - 1985. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần rất thấp, số học sinh bỏ học nhiều: cấp tiểu học là 12%, riêng các lớp 1 là 13,6%; cấp trung học là 22,6% (thậm chí số học sinh bỏ học của cả 4 lớp trung học cơ sở nhiều hơn số mới tuyển vào lớp 6); cấp trung học phổ thông là 14,2%. Toàn tỉnh lúc này chỉ có 04 trường phổ thông dân tộc nội trú (01 trường trung học phổ thông; 03 trường trung học cơ sở ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải).
Mạng lưới trường, lớp, quy mô giáo dục phát triển
Quán triệt quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, giáo dục và đào tạo Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc. Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, sau mỗi năm học, giáo dục và đào tạo Yên Bái đều có sự tiến bộ, đổi mới; mạng lưới trường, lớp, quy mô giáo dục phát triển, chất lượng giáo dục được nâng lên, giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, giáo dục mũi nhọn được chú trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành
Đến nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp được mở rộng tới tất cả các xã, phường, thị trấn. Một số vùng thuận lợi đã phát triển loại hình trường ngoài công lập, tư thục. Đặc biệt, sau khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống trường lớp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả; tạo điều kiện đưa học sinh từ các điểm lẻ về điểm trường chính, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 469 cơ sở giáo dục; trong đó có 02 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp nghề, 07 trung tâm giáo dục thường xuyên, 15 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập, 442 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô trên 6.980 lớp, trên 228.500 học sinh, học viên. So với ngày đầu tái lập, tăng hơn 126 trường, 1.800 lớp, trên 105.000 học sinh (tăng trên 80%).
Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đến nay, toàn tỉnh có gần 7.000 phòng học của giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ kiên cố đạt gần 90%, tỷ lệ phòng học tạm còn 3,4%, so với ngày đầu tái lập tăng gần 2.900 phòng, tỷ lệ phòng học tạm giảm 90%, trong đó, có gần 1.000 phòng học tương tác, phòng học thông minh, trên 600 phòng học bộ môn. Toàn tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo nên phong trào sâu rộng toàn dân tham gia làm giáo dục.
Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên
Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao, nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Công tác giáo dục mũi nhọn được nâng cao về số lượng, chất lượng và phát triển bền vững. Chỉ tỉnh riêng giai đoạn 2020 - 2025, Yên Bái có gần 3.200 lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia và hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc. Đặc biệt, năm 2015, Yên Bái có 01 học sinh đạt Bằng khen trong kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á, năm 2019, có 01 học sinh đoạt huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế. Năm học 1991 - 1992, có 04 học sinh giỏi THPT cấp quốc gia, năm 2023 - 2024 tăng lên 40 giải và năm học 2024 - 2025 có 57 giải.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tặng hoa chúc mừng học sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 43 trường phổ thông dân tộc bán trú, 55 trường có học sinh bán trú với gần 30.000 học sinh dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Chất lượng giáo dục dân tộc, vùng cao cũng từng bước được nâng lên.
Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao theo hướng bền vững, năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, năm 2022 là tỉnh thứ 26 được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; năm 2023 là tỉnh thứ 18 được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2. Công tác phân luồng học sinh luôn được triển khai có hiệu quả, hàng năm, trên 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (tăng 10% so với đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025), 44% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trung cấp, học nghề, cao đẳng (tăng gần 20% so với đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025), góp phần tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2023, Yên Bái là tỉnh thứ 18 được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã được tỉnh hết sức quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. Toàn tỉnh hiện có 350/442 trường mầm non, phổ thông được công nhận trường chuẩn quốc gia, đạt 79,2% (năm 1991 - 1992 cả tỉnh chưa có trường đạt chuẩn quốc gia), tăng 37% so với đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, toàn ngành có trên 13.100 lao động, tăng trên 5.200 người (tăng gần 70% so với năm học 1991 - 1992); trong đó 92% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, 24,3% trên chuẩn, gần 400 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo công bằng trong giáo dục và đào tạo, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025.
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tiếp tục quán triệt sâu rộng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Trường học hạnh phúc, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức lại, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp và phương án sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, từng bước đầu tư các thiết bị tiên tiến để thực hiện phương pháp giáo dục hiện đại, đặc biệt với các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống trường nội trú, bán trú; Phát triển trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thành trường có thứ hạng cao trong hệ thống các trường chuyên của cả nước.
Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, phát huy tính tích cực, chủ động năng lực sáng tạo của học sinh. Chú trọng giáo dục lý tưởng, bởi đập “đức, trí, thể, mỹ gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thông và xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để sắp xếp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ, năng lực; đẩy mạnh phong trào xây dựng “trường học hạnh phúc”, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục không có bạo lực học đường, học sinh được đối xử thân thiện, được phát triển tối đa năng lực, được tôn trọng, giáo viên được sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến, các nhà trường tạo dựng chất lượng một cách thực chất, lấy chỉ số hạnh phúc và chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy học, tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình theo Đề án 06, Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái; triển khai học bạ số đến 100% các trường, các lớp học đảm bảo liên thông dữ liệu, bảo mật thông tin, đem lại sự tiện ích cho người học và phụ huynh học sinh.
Với đường lối cách mạng sáng suốt của Đảng, cùng với những quyết sách của Nhà nước đảm bảo cho giáo dục và đào tạo phát triển bền vững, đồng thời, được sự quan tâm chăm lo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, chắc chắn sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Yên Bái sẽ đạt được những thành tựu rực rỡ, góp phần xứng đáng vào công cuộc “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước và xây dựng quê hương Yên Bái giàu đẹp.
Nguồn: https://yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=35914&l=Tintrongtinh
Comment (0)