Thế giới vừa bước qua năm 2023 với bao nốt trầm khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, hầu hết nền kinh tế các nước đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam mặc dù vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ đó kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả khả quan và trở thành điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề vừa kết thúc thì nhiều vẫn đề gay cấn khác lại nổi lên khiến kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức hơn so với dự báo. Xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas hết sức căng thẳng và phức tạp, cùng với thiên tai, cạnh tranh và xung đột vũ trang là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Bên canh đó, lạm phát luôn ở mức cao; nợ công thế giới tăng lên mức kỷ lục 92.000 tỷ USD; thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, an ninh lương thực diễn biến phức tạp… Tại thời điểm cuối năm 2023, các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với dự báo trước đây theo các hướng khác nhau nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022.
Ở trong nước, do tác động bất lợi của tình hình thế giới cùng với diễn biến phức tạp của thiên tai, hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn và nặng nề. Những bất ổn về địa chính trị, kinh tế thế giới gặp khó khăn, tổng cầu phục hồi yếu, lạm phát nhiều nước vẫn ở mức cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định, đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa tạo được sự bứt tốc mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do sụt giảm đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao, thiếu thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm, bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 chưa phát huy hiệu quả khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam năm 2023 cho thấy tăng trưởng hồi phục nhẹ qua các quý. Đáng chú ý, Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những điểm nhấn quan trọng của Đảng. Điển hình như Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07 ngày 01/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội; Kết luận 24 ngày 30/12/2021 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội… Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành Nghị quyết, các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế. Nhờ đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực và được xem là điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng và điều hành quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt; nông nghiệp tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua; công nghiệp phục hồi tốt; dịch vụ phát triển sôi động, du lịch phục hồi, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế – vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách; thu ngân sách nhà nước có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong khi đã thực hiện nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thời gian nộp đối với nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất. Lạm phát ở mức 3,8%. Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3,5% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%). Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 tỉ USD, trong đó, xuất siêu cả năm gần 26 tỷ USD, đưa nước ta vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng ước đạt 73,5% kế hoạch năm 2023, góp phần nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác hơn 1.900km. Năm 2023 được đánh giá là năm thành công thu hút vốn FDI, với kỷ lục đăng ký 36,6 tỷ USD, giải ngân hơn 23 tỷ USD và hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip… Vốn đầu tư ra nước ngoài đạt gần 417 triệu USD. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. An ninh lương thực, an ninh năng lượng bảo đảm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp với ý nghĩa là lợi thế, trụ đỡ của nền kinh tế phát triển ổn định, tăng 3,38%; xuất khẩu gạo ước đạt 8 triệu tấn (khoảng 4,5 tỷ USD).
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lạc quan rằng, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước được nâng lên.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng khẳng định, những kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng Doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Như vậy, Kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023 có nhiều dấu hiệu tích cực, điều này sẽ tạo đà cho năm 2024 – năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, bất định như hiện nay Việt Nam vẫn nổi lên những điểm sáng tích cực. Trong đó có nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế quốc tế lạc quan kỳ vọng tốc độ tăng trưởng năm 2024 cao hơn so với năm 2023. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nhiều nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Theo WB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và dự báo năm 2024 ở mức 5,5% và 2025 là 6%, trong đó, tín hiệu phục hồi kinh tế sẽ rõ rệt hơn vào giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam “Vietnam – Stronger but not easier” (Việt Nam – Vững mạnh hơn nhưng không dễ dàng hơn) vừa được công bố đầu năm, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024, trong đó dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm. Mức tăng trưởng này cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng ước đạt 5,05% trong năm 2023.
Cuộc khảo sát mới nhất của hãng Bloomberg công bố ngày 08/01 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý I năm 2024 và 6,5% trong quý II năm 2024. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được hãng tin kinh tế hàng đầu thế giới này dự báo sẽ đạt mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.
Về phần mình, Trung tâm tư vấn CEBR của Anh đánh giá, Việt Nam là một trong 2 nền kinh tế Đông Nam Á (cùng với Philippines) có năng lực “nhảy vọt” trong bảng xếp hạng Liên minh kinh tế thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. CEBR cho biết, Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới và sẽ tăng nhanh lên vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038. Theo CEBR, Việt Nam đang đứng trước viễn cảnh 15 năm tiếp theo rất khả quan. Với ưu thế dân số có sẵn, nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Với dân số đông và còn tương đối trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia xếp trên hiện nay trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia, để vươn lên đứng thứ hai khu vực vào 2038, chỉ đứng sau Indonesia trong số Top 25 nền kinh tế thế giới.
Mặc dù kinh tế Việt Nam được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và nhiều dự báo lạc quan trong năm nay. Tuy nhiên, dự báo trong năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục vượt lên, tạo thế và lực, tạo niềm tin để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025./.