Kết quả tăng trưởng kinh tế đáng phấn khởi, tự hào năm 2024 góp phần tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin và hy vọng để Việt Nam đạt được thành tựu cao hơn trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số. (Nguồn: Pexels)
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%).
Niềm tin vào khả năng bứt tốc
Đây là quyết tâm rất cao của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho cả giai đoạn năm năm 2021-2025. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quyết tâm đó của Chính phủ là hoàn toàn có cơ sở.
Đầu tiên phải kể đến nền tảng từ thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024. Trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế nước ta có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, với GDP đạt 7,09%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thu hút vốn FDI cả năm đạt gần 38,23 tỷ USD, thực hiện ước khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những kết quả trên là minh chứng cho nỗ lực vượt bậc của nước ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin, hy vọng để nền kinh tế đạt được kết quả cao hơn trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo chỉ tăng trưởng nhẹ hoặc ổn định ở mức 3,2 - 3,3% thì các tổ chức uy tín như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức từ 6,1-6,6%. Đây là những dự báo rất cao, ở top đầu thế giới.
Thứ ba, thông qua các diễn đàn kinh tế, các chuyên gia chỉ ra những yếu tố thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2025. Đó là, các chính sách và môi trường kinh doanh đang được Chính phủ ráo riết hoàn thiện và đồng bộ, đón đầu được sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó cũng có thể là cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Chưa kể, việc Việt Nam đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao; quá trình chuyển đổi số và công nghệ được triển khai mạnh mẽ trong cả bộ máy Nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế… sẽ tạo động lực mới cho phát triển.
Thứ tư, đầu tư công được thực hiện mạnh mẽ. Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với mức kỷ lục 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Chính phủ chỉ rõ kế hoạch đầu tư công năm 2025 tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…
Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, đường bộ cao tốc... được đánh giá sẽ tác động tích cực sâu rộng đến nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và các hoạt động sản xuất công nghiệp kỳ vọng hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.
Thứ năm, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện tích cực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025, từ đó sẽ tác động tích cực đến các nước, trong đó có Việt Nam - quốc gia có nền kinh tế mở rất cao với nguồn lực xuất khẩu mạnh mẽ.
Việc Việt Nam đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao; quá trình chuyển đổi số và công nghệ được triển khai mạnh mẽ trong cả bộ máy Nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế… sẽ tạo động lực mới cho phát triển. (Nguồn: Pexels)
Giải bài toán thách thức
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên, ngoài loạt giải pháp được Chính phủ chỉ rõ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, các chuyên gia còn nêu những thách thức mà kinh tế Việt Nam phải giải quyết trong năm 2025.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế chính là thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm từng chỉ rõ, điểm nghẽn thể chế, nhất là chất lượng thể chế và pháp luật là rào cản rất lớn cho phát triển nói chung, tăng trưởng kinh tế nói riêng. Ông Việt kỳ vọng những rào cản, điểm nghẽn này được khắc phục nhanh chóng để doanh nghiệp được gỡ vướng, tạo đà cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Santiago Velasquez, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, FDI và sản xuất xuất khẩu được kỳ vọng là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào thương mại khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các rủi ro bên ngoài.
Bởi lẽ, thế giới đang chứng kiến “cuộc chiến thương mại mới” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể dẫn đến mức thuế cao hơn đối với hàng tái xuất, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025. TS. Velasquez cảnh báo, quỹ đạo phát triển của Việt Nam phụ thuộc vào khả năng giải quyết các nút thắt trong nước và ứng phó với những rủi ro thương mại quốc tế.
Để duy trì đà tăng trưởng, hướng đến mức tăng trưởng cao hơn, ông Velasquez cho rằng, Việt Nam cần áp dụng mô hình “động cơ kép” cân bằng giữa thế mạnh xuất khẩu và một thị trường trong nước vững chắc. Đây là cách tiếp cận không chỉ ổn định tăng trưởng mà còn tăng cường tính toàn diện của nền kinh tế. Vì thị trường nội địa, với sức tiêu dùng ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Muốn vậy, theo ông Nguyễn Quốc Việt, cả doanh nghiệp và Chính phủ đều đóng vai trò then chốt. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện chuỗi cung ứng và triển khai các chương trình giảm giá có mục tiêu để kích thích nhu cầu và mở rộng thị trường mới. Chính phủ ưu tiên giảm thuế, như cắt giảm thuế tiêu dùng và thuế thu nhập, nhằm tăng cường sức mua của người dân.
Trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước, để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục chú trọng kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để bảo đảm tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng cung tiền hợp lý.
Một trong những thách thức khác mà nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, đó là Việt Nam cần có thêm các chính sách thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới. FDI đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ cần được ưu tiên.
Còn theo TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, Chính phủ cần chủ động xây dựng kịch bản tăng GDP theo các mức khác nhau cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Kịch bản tăng trưởng cần chỉ rõ từng ngành, từng lĩnh vực phải tăng bao nhiêu và xác định rõ tiềm năng, động lực, nguồn lực cụ thể là gì để chuẩn bị và khai thác các nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó, cần chủ động, linh hoạt thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với các chính sách khác; chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa với nhu cầu, bảo đảm lợi ích của các thực thể có liên quan trong nền kinh tế. Có như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 mới có thể đạt kỳ vọng ở mức hai con số, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.
Giới chuyên gia nhận định, năm 2025, GDP chắc chắn sẽ tăng trưởng, nhưng quỹ đạo cụ thể sẽ phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc ứng phó với rủi ro thương mại toàn cầu và điều chỉnh các chính sách trong nước. Với các cải cách chủ động, Việt Nam có thể bảo đảm sự thịnh vượng bền vững.
window.fbAsyncInit = function() { FB.init({ appId : '277749645924281', xfbml : true, version : 'v18.0' }); FB.AppEvents.logPageView(); }; (function(d, s, id){ var js, fjs = d.getElementsByTagName(s)[0]; if (d.getElementById(id)) {return;} js = d.createElement(s); js.id = id; js.src = "https://connect.facebook.net/en_US/sdk.js"; fjs.parentNode.insertBefore(js, fjs); }(document, 'script', 'facebook-jssdk'));
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-2025-vung-buoc-tang-truong-303524.html
Bình luận (0)