Vào đầu tháng 9 vừa qua, tuyến đường sắt cao tốc nối 2 thành phố Hàng Châu và Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc chính thức hoạt động. Tuyến đường mới này dài 276 km, sử dụng tàu thiết kế vận tốc 350 km/h đi cùng với 9 nhà ga. Mục đích chính của tuyến là cung cấp giải pháp di chuyển, vận chuyển nhanh chóng dọc theo tuyến đường xuyên qua nhiều trung tâm kinh tế như Hàng Châu, Nghĩa Ô, Ô Châu… một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của quốc gia tỷ dân.
Ông Wang Lu, kỹ sư cấp cao của Trung tâm dự án đường sắt Hàng Châu chia sẻ: “Khi tuyến đường sắt chính thức đi vào hoạt động, nó sẽ kết nối và tạo nên một vòng tròn 3 đô thị lớn là Hàng Châu, Kim Hoa và Ô Châu. Tuyến đường cũng được thiết kế đi qua một số khu vực danh lam thắng cảnh như sông Chiết Giang và khu thắng cảnh Thần Tiên Cư của tỉnh, từ đó tác động thúc đẩy tới sự phát triển kinh tế địa phương dọc theo tuyến đường”.
Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của Trung Quốc vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, đường sắt quốc gia này đã phục vụ hơn 105 triệu chuyến tàu, với lưu lượng hành khách tương đối tập trung ở một số tuyến như Bắc Kinh đến Thượng Hải, Thành Đô đến Tây An, Quảng Châu đến Nam Ninh, Đại Liên đến Thẩm Dương,…
Hay với tuyến Bảo Kê – Lan Châu kết nối 2 tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc dài hơn 400 km đóng một vai trò quan trọng trong tuyến đường sắt đông – tây, tạo nên “vòng tròn vận tải” kết nối Lan Châu với nhiều đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu. Với tổng thời gian di chuyển khoảng 9 – 11 giờ, khách du lịch có thể trải nghiệm đặc sản Bánh bao súp, hay còn gọi là Tiểu long bao ở Thượng Hải vào buổi sáng, ăn món súp cừu với bánh mỳ xé ở Tây An vào buổi trưa, và kết thúc một ngày với món mỳ bò đặc sản của Lan Châu cho bữa tối.
Bên cạnh những lợi ích về du lịch là lợi ích về kinh tế. Bằng cách hội nhập vào các vùng kinh tế đa dạng và cải thiện kết nối giao thông, đường sắt cao tốc hỗ trợ cho các giải pháp của chính phủ trong việc giảm chênh lệch kinh tế giữa các vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện. Các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm mọc lên dọc theo các tuyến cho thấy đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã hoàn thành tốt vai trò là “xương sống” giao thông, là thứ không thể thiếu trong chiến lược đô thị hoá của quốc gia tỷ dân.
Tiến sĩ Danlin Yu, nhà địa lý đô thị, khoa học dữ liệu của Đại học Montclair State, Hoa Kỳ chia sẻ: “Ảnh hưởng của đường sắt cao tốc tới nền kinh tế, hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng có 2 ảnh hưởng chính. Thứ nhất là ảnh hưởng trực tiếp, bao gồm giảm thời gian đi lại, giảm chi phí đi lại, giúp thị trường lao động linh động, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, từ đó phát triển kinh tế vùng. Ảnh hưởng thứ hai đó là ảnh hưởng về mặt kinh tế, nhưng trên quy mô rộng hơn, trong đó bao gồm thu hút đầu tư, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, lao động và cả Nhà nước nhờ hiệu quả quần tụ.”
Hiện Trung Quốc đang tập trung đầu tư vùng phía Tây – nơi có địa hình hiểm trở, xa xôi để phát triển kinh tế của khu vực này. Ông Ma Vạn Lâm, kỹ sư thuộc Tập đoàn đường sắt Trung Quốc cùng nhiều đồng nghiệp đang phụ trách thi công tuyến cao tốc Lan Châu – khu tự trị Tân Cương. Tuyến này bắt đầu từ Lan Châu, tỉnh Cam Túc, đi qua Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải và kết thúc tại khu tự trị Tân Cương, dài tổng cộng gần 1.800 km.
Vị kỹ sư 50 tuổi cho biết, trong suốt 1 thập kỷ qua, ông đã chứng kiến đường sắt thay đổi, thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều vùng nông thôn. Như tuyến Lan Châu – Tân Cương đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, đến nay đã vận chuyển khoảng 140 triệu lượt hành khách và giúp kinh tế nhiều địa phương khởi sắc. Ví dụ như huyện tự trị dân tộc Hồi Môn Nguyên, tỉnh Thanh Hải, nổi tiếng với núi tuyết, hoa cải dầu. Nhờ có đường sắt cao tốc mà kinh tế và du lịch của huyện đã tăng vọt. Năm ngoái, GDP của huyện đã đạt 4.5 tỷ NDT, gấp 5 lần so với năm 2013.
Tại Việt Nam, với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, tin cậy, thuận tiện, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ “rút ngắn” khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM; tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế cho các địa phương trên hành lang.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, luật pháp hiện tại còn nhiều vướng mắc, như việc phát triển đô thị xung quanh ga tàu, kinh doanh dịch vụ tại các nhà ga. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt, thậm chí là các nghị quyết cấp cao của Quốc hội để tháo gỡ các vấn đề pháp lý này:
“Kinh doanh vận tải thì như Việt Nam đang bị ràng buộc là chưa được kinh doanh các dịch vụ khác, đặc biệt là các nhà ga. Dẫn chứng là tuyến Cát Linh – Hà Đông, doanh nghiệp đang khai thác tuyến đó vẫn chưa thể kinh doanh, bán đồ tại đó. Tại vì luật chúng ta đang bị ràng buộc, không được kinh doanh cái khác. Chúng ta phải xác định như Nhật Bản, nguồn thu thì có đến 30-35% là từ kinh doanh dịch vụ chứ không phải chỉ từ vận tải đường sắt”, ông Đông nói.
VOV.vn
Nguồn: https://vov.vn/ky-nguyen-vuon-minh/kinh-te-va-du-lich-huong-loi-gi-tu-duong-sat-cao-toc-post1132526.vov