Ngày 30-7, tại TP.HCM đã diễn ra diễn đàn “Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024”. Diễn đàn do tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Tại sự kiện, các diễn giả đã thảo luận về thách thức, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo “cú hích” phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững Việt Nam.
Kinh nghiệm từ Thái, Nhật, Israel
Chia sẻ tại sự kiện, ông Ngô Xuân Chinh – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp – nhấn mạnh ứng dụng công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Ông Chinh dẫn chứng tại Nhật Bản, dù nông nghiệp chỉ đóng góp 1% tổng GDP năm 2020, song năm 2021 Chính phủ Nhật Bản vẫn chi hơn 50 tỉ USD để hỗ trợ nền nông nghiệp phát triển.
Theo đó để phát triển nền nông nghiệp xanh, Nhật Bản tăng 30% công suất của các nhà máy sản xuất thực phẩm thông qua tự động hóa, đồng thời giảm 50% tổng lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, phấn đấu tăng diện tích canh tác hữu cơ lên 1 triệu ha vào năm 2050.
Tương tự, Chính phủ Israel cũng đầu tư mạnh vào công nghệ trong toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ.
Nông dân có thể quản lý diện tích canh tác lên đến 5.000 – 6.000ha chỉ với một chiếc máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.
Hệ thống máy chủ sẽ cho biết vườn cây nào cần bón phân gì, tưới nước ra sao và căn chỉnh dung lượng phù hợp, vừa đủ.
Còn tại Thái Lan, để phát triển nông nghiệp xanh, chính phủ xứ sở chùa vàng chọn cách phát triển sản phẩm nông nghiệp theo đặc thù từng vùng khí hậu, lợi thế điều kiện sinh thái, nhằm giảm tác động xấu tới môi trường.
Đặc biệt trong trồng lúa, Chính phủ Thái Lan cung cấp hỗ trợ từ mua giống, kỹ thuật gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân để giảm lượng thuốc trừ sâu tối đa.
Từ các ví dụ về Nhật Bản, Thái Lan và Israel, ông Xuân Chinh kết luận: “Mỗi quốc gia đều có những cách tiếp cận riêng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của mình, song yếu tố thuận tự nhiên, ứng dụng khoa học là những yếu tố then cốt, cốt lõi phát triển nền nông nghiệp xanh”.
Giải pháp thúc đẩy nông nghiệp xanh
Về vấn đề nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, các diễn giả cho rằng ngành nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp, cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ, nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh về khoa học và công nghệ, cần tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.
Song song đó, các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ, đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Các chuyên gia đồng thời kiến nghị cơ chế nhằm thúc đẩy liên kết, tăng hiệu suất cho dòng vốn đầu tư nhờ khai thác nông nghiệp xanh ở các sản phẩm chéo như: khai thác dịch vụ từ mô hình sinh thái, nhân rộng sản phẩm OCOP trong phục vụ du lịch, làm thương hiệu nông sản xanh trong mọi khâu canh tác…
Nguồn: https://tuoitre.vn/kinh-nghiem-quoc-te-trong-phat-trien-nong-nghiep-xanh-20240730152611791.htm