Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào trong năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Chiều 8/1/2025, Hội nghị cấp chuyên viên Kỳ họp lần thứ 47 Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào được tổ chức tại thủ đô Vientine (Lào).
Hội nghị nhằm đánh giá, kiểm điểm tình hình thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác năm 2024, từ đó xây dựng Kế hoạch hợp tác năm 2025. Đồng thời, trao đổi thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch hợp tác năm 2025 để trình hai Chính phủ xem xét tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào diễn ra vào ngày 9/1/2025.
Hội nghị cấp chuyên viên Kỳ họp lần thứ 47 Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào được tổ chức tại thủ đô Vientine (Lào). Ảnh: MPI |
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hợp tác Lào – Việt Nam, ông Viengsavanh Vilayphone đã trình bày một số nét khái quát về tình hình kinh tế – xã hội của Lào trong năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Theo đó, trong năm 2024, tăng trưởng GDP của Lào đạt 4,6% (vượt kế hoạch đề ra là 4,5%), thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra trong 4 năm liên tiếp. Đối với năm 2025, Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện kế hoạch một cách có trọng tâm, khoa học, chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và phù hợp với tiềm năng thực tế của Lào.
Tại hội nghị, ông Viengsavanh Vilayphone cũng trình bày báo cáo đánh giá tình hình hợp tác hai nước Việt Nam – Lào trong năm 2024. Báo cáo nêu rõ, hợp tác song phương năm 2024 đã có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Về kim ngạch thương mại song phương trong năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu của Lào từ Việt Nam đạt 641,8 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại Lào – Việt Nam phiên bản mới và Biên bản ghi nhớ về hợp tác chống buôn lậu và trốn thuế qua biên giới Lào – Việt Nam ngày 8/4/2024; đồng thời tiếp tục xây dựng khung pháp lý ưu tiên thương mại đặc biệt cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Năm 2024 cũng ghi nhận đầu tư của Việt Nam tại Lào đạt kết quả tích cực, một số dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng được thúc đẩy triển khai. Đồng thời, hai bên cũng đã tích cực thúc đẩy tổ chức các cuộc họp để tham vấn và tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào.
Việt Nam – Lào cũng tiếp tục triển khai biên bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030. Hai bên phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm nguồn vốn cho các dự án trọng điểm như Đường cao tốc Vientiane – Hà Nội; Đường sắt Vientiane – Thakhek – Tân Ấp – Vũng Áng, các dự án kết nối giao thông quan trọng khác… Hai bên cũng đã cơ bản hoàn thành về hợp tác đầu tư phát triển bến 1, 2 và 3 thuộc cảng Vũng Áng.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Lào tăng 32,8% trong năm 2024. Ảnh: MPI |
Thúc đẩy tăng trưởng thương mại 10-15% trong năm 2025
Trao đổi về phương hướng hợp tác hai nước năm 2025, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, hai bên cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung, trong đó có tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư – thương mại Việt Nam – Lào.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường hỗ trợ Lào kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh. Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Việt Nam – Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Lào – Việt Nam và các cơ quan chức năng hai nước để tiếp tục triển khai nhiệm vụ rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao về việc chủ trì triển khai nhiệm vụ của Tổ chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô và Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường thuận lợi; có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm về an ninh – quốc phòng.
Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, tập trung các lĩnh vự như nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến để trở thành hàng hóa xuất khẩu; năng lượng tái tạo đặc biệt các dự án tại khu vực biên giới hai nước kết nối với lưới điện Việt Nam; mỏ khai khoáng chế biến sâu dành cho doanh nghiệp Việt Nam; kết nối du lịch. Xem xét, thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào.
Cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại tăng trưởng khoảng 10-15%; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.
Về hợp tác mua bán điện, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để rà soát, nghiên cứu chi tiết giá mua bán điện cho các dự án điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2025; nghiên cứu kết nối hệ thống đường dây truyền tải của hai nước nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán điện từ các dự án điện tại Lào trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thực hiện các dự án điện gió tại khu vực biên giới để bán điện về Việt Nam.
Một trong những nội dung hợp tác năm 2025 là, Việt Nam – Lào sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên, mời các doanh nghiệp lớn, các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… tham dự để thu hút đầu tư. |
Nguồn: https://congthuong.vn/kim-ngach-thuong-mai-song-phuong-viet-nam-lao-tang-328-368630.html