Mỹ sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD; Na Uy sẽ hỗ trợ khoảng 7 tỷ Euro trong 5 năm tới. Bulgaria gửi tới Kiev xe thiết giáp; Đức bàn giao 10 xe tăng Leopard… là những “món quà” mới nhất được gửi tới Ukraine.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS được Mỹ viện trợ cho Ukraine. (Nguồn: US Marine Corps) |
Mỹ sẽ công bố ngay trong ngày 25/7 một gói viện trợ quân sự nữa cho Ukraine, lần này trị giá 400 triệu USD, bao gồm pháo, tên lửa phòng không và nhiều phương tiện mặt đất.
Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, gói này không bao gồm bom-đạn chùm. Trước đó, hồi đầu tháng 7, Mỹ lần đầu tiên chuyển đạn thông thường cải tiến lưỡng dụng (DPICM) – một loại đạn chùm được bắn từ lựu pháo 155mm cho Ukraine .
Hai quan chức Mỹ cho biết, gói viện trợ trên bao gồm một số xe bọc thép chở quân Stryker, thiết bị rà phá bom mìn, đạn cho Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Na Uy (NASAMS), đạn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), vũ khí chống tăng bao gồm tên lửa TOW và Javelin, đạn cho hệ thống phòng không Patriot và tên lửa phòng không Stinger.
Trong một diễn biến liên quan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 21/7 (theo giờ địa phương) đã xác nhận rằng, Tổng thống nước này, ông Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn đang thảo luận về khả năng cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Kiev và quyết định về vấn đề này tùy thuộc vào ông chủ Nhà Trắng.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, ông Sullivan nêu rõ: “Dù thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng chúng tôi vẫn cung cấp ATACMS, song đó sẽ là quyết định của Tổng thống Biden, ông ấy đã thảo luận với người đồng cấp Ukraine về điều đó. Hai bên tiếp tục có những cuộc trò chuyện”.
ATACMS là tên lửa dẫn đường tầm xa do tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Loại tên lửa này cũng có thể được phóng từ các hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) như M270 và M142 HIMARS mà Ukraine có.
Các phiên bản mới nhất của tên lửa này có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 310 km với độ lệch tâm chỉ 1 m. Lockheed Martin cho biết khoảng 4.000 quả tên lửa ATACMS đã được chế tạo kể từ những năm 1980.
* Na Uy sẽ hỗ trợ Ukraine khoảng 7 tỷ Euro trong 5 năm tới. Thông tin trên được Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine đăng trên kênh Telegram.
Trong cuộc gặp giữa Đại sứ Na Uy tại Ukraine Helene Sand Andersen và lãnh đạo Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine, hai bên cũng thảo luận về triển vọng hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh biên giới và hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực khác trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
* Trước đó, ngày 21/7, Bulgaria đã quyết định chuyển 100 xe thiết giáp chở quân tới Ukraine. Đây là động thái hỗ trợ vũ khí hạng nặng đầu tiên của quốc gia Balkan cho Kiev.
Với 148 phiếu thuận và 52 phiếu chống, Quốc hội Bulgaria đã thông qua đề xuất được chính phủ mới thân châu Âu đưa ra. Theo đó, xe thiết giáp sẽ được chuyển tới Ukraine cùng với vũ khí và phụ tùng. Số xe thiết giáp được chuyển là những mẫu BTR mà Bulgaria từng mua trong những năm 1980.
Thông báo của Quốc hội Bulgaria nêu rõ: “Mẫu BTR không còn cần thiết với nhu cầu của Bulgaria, nhưng nó có thể trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng cho Ukraine”.
* Chính phủ Đức cũng vừa cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Theo danh sách cập nhật các thiết bị quân sự được bàn giao cho Kiev, gói viện trợ quân sự mới bao gồm 10 xe tăng Leopard 1A5 và 20 súng máy MG3 cho xe tăng Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh Marder và xe công binh bọc thép Dachs.
Ngoài ra, Berlin còn cung cấp cho Kiev 1.305 viên đạn 155 mm, 2.064 viên đạn khói 155 mm, hệ thống cầu và 12 xe kéo, 4 phương tiện bảo vệ biên giới, 10 radar giám sát mặt đất, 16 xe tải Zetros và 100.000 bộ dụng cụ sơ cứu.
Trước đó, hồi mùa Đông năm ngoái, chính phủ Đức đã thông qua quyết định chuyển giao 178 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine.