Ukraine đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho nước này để chống lại Nga. Truyền thông Đức ngày 26/5 dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết, Berlin đã nhận được đề nghị liên quan của Ukraine trong vài ngày qua, song không chi biết cụ thể về số lượng tên lửa mà Kiev muốn có.
Tình hình Ukraine: Kiev đề nghị Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus, Nga nhấn mạnh về những trở ngại trong hòa đàm. (Nguồn: Youtube) |
Trước đó, nghị sĩ Quốc hội liên bang và là chuyên gia quốc phòng của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), ông Roderich Kiesewetter, đã lên tiếng ủng hộ việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus của Đức cho Ukraine.
Ông Roderich cho biết, các tên lửa có tầm bắn lên tới 500 km cho Ukraine “tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Nga ở phía xa sau chiến tuyến”.
Ngày 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã phản ứng thận trọng với đề xuất này, nhưng nói rằng, ông tin tưởng cần “hỗ trợ Ukraine tất cả các hệ thống được luật pháp quốc tế cho phép” mà Kiev cần.
10 năm trước, Đức đã mua khoảng 600 tên lửa Taurus cho quân đội liên bang, trong số này có “khoảng 150” tên lửa sẵn sàng triển khai ngay.
Taurus là vũ khí có độ chính xác cao, tự bay hàng trăm km đến mục tiêu theo lộ trình được lập trình sẵn và được phóng từ máy bay ở khoảng cách rất xa. Tên lửa này không chỉ có tầm bắn xa mà còn khiến phòng không đối phương khó phát hiện.
Với chiều dài 5m và chỉ rộng khoảng 1m, Taurus nhỏ hơn nhiều so với máy bay chiến đấu. Ngoài ra, tên lửa này có phạm vi hoạt động trong ít nhất 500 km và bay ở độ cao chỉ khoảng 50m, cho phép nó bay dưới hệ thống phòng không của đối phương. Giá một tên lửa thời điểm năm 2005 vào khoảng 1 triệu Euro.
* Cũng về việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhắc nhở Kiev rằng, Washington không ủng hộ việc sử dụng trang thiết bị của Mỹ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Trả lời phỏng vấn CNN, ông Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi đã một lần nữa nói rõ với người Ukraine về những kỳ vọng của chúng tôi về việc tấn công Nga. Chúng tôi không muốn khuyến khích hay tạo điều kiện cho điều đó, chúng tôi chắc chắn không muốn bất kỳ thiết bị nào do Mỹ sản xuất được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Và chúng tôi đã nhận được sự đảm bảo từ người Ukraine rằng họ sẽ tôn trọng những mong muốn đó…
Bên cạnh đó, người phát ngôn này cũng khẳng định, Ukraine có quyền tự vệ và Mỹ muốn Kiev có khả năng tự bảo vệ lãnh thổ của mình, song Washington không muốn cuộc xung đột vượt ra ngoài phạm vi đó.
* Liên quan cuộc xung đột Nga-Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong cuộc gặp đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy ngày 26/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảm ơn Bắc Kinh vì lập trường cân bằng của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn: “Chỉ ra những đóng góp cá nhân của ông Lý Huy trong việc tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung, Ngoại trưởng Lavrov hoan nghênh việc ông đến Moscow với tư cách mới. Hai bên đã cuộc trao đổi quan điểm về tình hình xung quanh Ukraine và triển vọng giải quyết cuộc xung đột này. Ông Lavrov cảm ơn phía Trung Quốc vì lập trường cân bằng của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng Ukraine và ca ngợi việc Bắc Kinh sẵn sàng đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề này”.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov đã xác nhận cam kết của Moscow về một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine, đồng thời “lưu ý đến những trở ngại nghiêm trọng do phía Ukraine và phương Tây tạo ra đối với việc nối lại các cuộc hòa đàm”.
Hai bên bày tỏ sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác chính sách đối ngoại Nga-Trung Quốc và “luôn hướng tới mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Chuyến thăm của ông Lý Huy tới Moscow là một phần trong chuyến công du một loạt nước châu Âu của phái đoàn các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột Nga-Ukraine.