“Trông lại trời Nam nhớ Thần Kinh!”, ấy là cảm xúc của chúng tôi lúc đứng trên đỉnh non thiêng Bạch Mã nhìn về phía kinh thành Huế lúc nắng lặn chiều buông. Trong mối lương duyên lịch sử giữa đất trời và nước Việt ta hơn nghìn năm qua, Bạch Mã tự hào là một chứng nhân không tuổi.
Cách đây hơn 90 năm, Bạch Mã lần đầu tiên được khai phá thành khu nghỉ mát cho chính quyền Pháp thuộc; sau đó đóng vai trò làm điểm cao quân sự những tháng năm chống Mỹ bảo vệ tuyến đường chi viện Bắc Nam của quân giải phóng.
Hòa bình lập lại, nơi đây được điều chỉnh mở rộng thành Vườn Quốc gia Bạch Mã với tổng diện tích hơn 37 nghìn héc-ta, nằm trên ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, nép mình bên dãy Trường Sơn mặt trông ra hướng biển càng đúng với danh xưng “Ngựa trắng trời Nam”.
Hòa bình lập lại, nơi đây được điều chỉnh mở rộng thành Vườn Quốc gia Bạch Mã với tổng diện tích hơn 37 nghìn héc-ta, nằm trên ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, nép mình bên dãy Trường Sơn mặt trông ra hướng biển càng đúng với danh xưng “Ngựa trắng trời Nam”.
Sự phong phú của thiên nhiên cùng nhiều loài kỳ hoa dị thảo nở rộ nhất là mỗi dịp xuân về khiến cho Bạch Mã sở hữu vẻ đẹp hư ảo. Không chỉ vậy, từ Vọng Hải Đài trên đỉnh có thể nhìn về 2 đô thị lớn là Huế và Đà Nẵng, ta còn tận hưởng được gió núi trên cao và phong vị đậm đà của biển. Sự mát mẻ dịu dàng như Sa Pa, Đà Lạt hòa quyện với vị mặn mòi duyên hải như Nha Trang, Vũng Tàu khiến Bạch Mã trở nên khác biệt và độc đáo vì thế.
Ngoài Vọng Hải Đài cao vời, phải nhắc đến bức tranh thủy mặc của Bạch Mã mà tâm điểm là kiệt tác Ngũ Hồ nên thơ. Đây vốn là hệ thống 5 hồ nước nằm cạnh nhau, mỗi hồ có hình dáng và vẻ đẹp riêng, ẩn mình trong rừng già và bờ đá núi như đợi chờ người ta khám phá. Nếu hồ thứ nhất trong veo dài cong như vành trăng khuyết thì hồ thứ hai lại rộng và nhiều khe đá granite lớn nhẵn nhụi, trơn bóng do bị nước chảy mài mòn theo thời gian. Hồ thứ ba hiền hòa nhỏ nhắn với dòng nước chảy về chân thác thu lại như hình phễu.
Hồ thứ tư có hình oval cùng sóng nước dập dềnh và những tảng đá lớn đã chia tách dòng nước thành hai thác lớn. Và cuối cùng, cũng là đẹp nhất, chính là hồ thứ năm rộng lớn, nước trong suốt và thắm sắc của trời mây, đá núi với rừng cây, nơi không chỉ dừng ngoạn cảnh mà còn bơi lội được thỏa thích, tận hưởng làn nước mát sau những quãng đường gập ghềnh đi bộ vào hồ. Phải chăng từ đó có câu rằng: “Muốn ngắm cây thì vào Cúc Phương, thích xem thú nên đến Cát Tiên, còn để tắm thác phải lên Bạch Mã”!
Bắt đầu từ Km16 đường Bạch Mã còn có một con đường mòn nhỏ khoảng 1,5km dẫn đến một con thác ngoạn mục khác: thác Đỗ Quyên. Sau 30 phút đi bộ trên con đường dốc thoai thoải xuyên rừng, du khách sẽ đứng trước thác nước hùng vĩ cao trên 300m.
Ngọn thác Đỗ Quyên ấy chính là đầu nguồn của dòng Tả Trạch (dài khoảng 67km) chảy xuyên qua dãy Bạch Mã khi về tới ngã ba Bằng Lãng (ngã ba Tuần) thì hợp lưu với nhánh phụ Hữu Trạch (dài khoảng 60km) tạo nên dải lụa mềm mại dài hơn 80km – sông Hương huyền thoại giữa xứ Huế mộng mơ. Thác có tên vậy vì vào mùa xuân hoa đỗ quyên nở bạt ngàn, sắc hoa đỏ rực ôm ấp những vách đá, khe suối khiến phong cảnh đẹp như tranh.
Đỗ Quyên còn được xưng tụng là ngọn thác cao hàng đầu Đông Nam Á bởi đường xuống chân thác phải qua gần 700 bậc đá. Bọt nước tung trắng xóa trong không gian cùng tiếng ì ầm của “dải Ngân hà tuột khỏi mây” giữa non thiêng càng tôn lên vóc dáng uy nghi trầm hùng của dải lụa Đỗ Quyên.