Trong chuyến thăm Áo vào tháng 7-2023, dù lịch trình làm việc dày đặc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn dành thời gian đến thăm nhà tiến sĩ vật lý Nguyễn Duy Hà, chuyên gia vật lý lượng tử và giáo sư giảng dạy tại Đại học Bách khoa Vienna.
Tôi cho rằng đó là sự động viên to lớn đối với cá nhân tiến sĩ Nguyễn Duy Hà, đồng thời cũng là một câu chuyện điển hình thể hiện truyền thống trọng trí thức, trọng hiền tài cũng như định hướng chú trọng phát huy nguồn lực kiều bào trí thức của đất nước.
Nhiều ngành mũi nhọn đều có chuyên gia người Việt
Thực tế trong thời gian gần đây, lãnh đạo cấp cao nước ta rất tích cực thăm hỏi các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các cuộc công du nước ngoài.
Các cuộc gặp rất thân tình, gần gũi là minh chứng sống động nhất cho chủ trương “thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc chăm lo cho cộng đồng kiều bào” như kết luận số 12-KL/TW.
Tôi cũng tin rằng thông qua những cuộc gặp này, kiều bào cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng và của quê hương, đất nước nói chung.
Mới đây khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu đào tạo 30.000 đến 50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn, kiều bào trí thức được xem là nguồn lực chất xám lớn để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Hiện nay ước tính có khoảng 600.000 trí thức có trình độ đại học trở lên trên tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở Mỹ và các nước Tây Âu.
Kiều bào trí thức gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại.
Chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài làm việc ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, doanh nghiệp kỹ thuật, công nghệ cao cũng như tại nhiều tổ chức quốc tế.
Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, dự án công nghệ cao từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương trên thế giới… đều có chuyên gia người Việt.
Trong đó rất nhiều người Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tin học, viễn thông. Tại Thung lũng Silicon, bang California (Mỹ) có khoảng 10.000 người Việt Nam làm việc, trong đó có nhiều doanh nghiệp do người Việt làm chủ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Mạng lưới tập hợp hơn 1.500 chuyên gia, trí thức trình độ cao
Thời gian qua ủy ban phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác thu hút kiều bào trí thức.
Trong đó nổi bật là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIN), đến nay đã tập hợp hơn 1.500 chuyên gia, trí thức trình độ cao là người Việt ở nước ngoài tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã có tám mạng lưới thành viên tại châu Âu, Đức, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ.
Các chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được hỗ trợ thị thực, cấp giấy phép lao động theo quy trình, thủ tục rút gọn để họ an tâm làm việc, đóng góp.
Trong những năm gần đây, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ tập trung hoạt động lĩnh vực chuyên môn để đạt được thành công cá nhân mà họ còn liên kết thành hội trí thức người Việt ở nhiều nước, phát huy sức mạnh tập thể nhằm đóng góp trong cộng đồng.
Tôi có thể kể đến Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam của GS Trần Thanh Vân – kiều bào Pháp, Hội nghị các viện hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư do Viện hàn lâm Trẻ Việt Nam, Hội Trí thức kiều bào tại Anh, Mỹ và nhiều nước khác tổ chức.
Chúng tôi đang hướng đến liên kết các hội này với nhau và kết nối họ vào mạng lưới trong nước, tạo ra một sân chơi hấp dẫn để họ được giao lưu, trao đổi và đóng góp cho đất nước.
Cái quý của kiều bào trí thức không chỉ nằm ở những đóng góp về chuyên môn mà họ còn có thể tận dụng các mối quan hệ xã hội, uy tín ở sở tại và quốc tế làm cầu nối giúp Việt Nam hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng từ khoa học đến công nghệ, kinh tế.
Thời gian qua họ cũng có nhiều đóng góp quan trọng giúp chuyển giao kiến thức, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong nước. Không chỉ vậy, họ còn là cầu nối kêu gọi các nhà khoa học và nguồn lực quốc tế đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
Kiều bào trí thức trẻ đang dần thay thế lớp người lớn tuổi, họ vừa có lợi thế là sức trẻ, sự sáng tạo vừa có sự nhanh nhạy với công nghệ mới. Nguồn lực kiều bào trí thức thế hệ 2, 3 trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn.
Họ là động lực to lớn đóng góp cho nước sở tại và nước nhà. Điều đó xuất phát từ cái đức hy sinh của cha mẹ dành cho con cái của người Việt Nam mình. Có thể thế hệ cha mẹ sang nước ngoài phải lao động rất cực khổ nhưng họ đầu tư tiền bạc, thời gian cho con cái được học hành vươn lên nên thế hệ đi sau rất thành công.
Ủy ban đã có những hoạt động góp phần hình thành, bảo trợ cho các hoạt động, kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của người Việt trẻ ở nước ngoài trong các cuộc thi tầm cỡ như VietChallenge ở Mỹ hay Hack4Growth ở Pháp.
Theo chương trình 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đưa các cuộc thi ở nước ngoài do người Việt trẻ tổ chức trở thành một bộ phận của cuộc thi trong nước. Khi được giải thì tất cả các bạn trẻ trong nước và kiều bào trí thức trẻ ở nước ngoài sẽ cùng tham gia vòng chung kết.
Cũng không thể bỏ qua phong trào khởi nghiệp (start-up) đang diễn ra sôi nổi trong thời đại mới. Start-up luôn cần đến những cố vấn là chuyên gia kinh doanh, khoa học và công nghệ.
Lâu nay chúng ta chỉ mời cố vấn là trí thức trong nước, vì vậy ủy ban đã hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ để mời thêm các cố vấn là kiều bào trí thức thành đạt về hướng dẫn cho phong trào khởi nghiệp trong nước.
Trọng đãi nhân tài cần thực chất
Theo tôi, cần phải có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Để huy động được những nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi phải có chính sách trọng đãi hợp lý, đảm bảo những điều kiện sống ổn định, cung cấp nhà ở, bảo hiểm y tế. Cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục con cái của họ, để họ có thể yên tâm làm việc mà không lo lắng đến những vấn đề khác.
Mỗi bộ ngành, địa phương cần dựa vào nhu cầu và đặc điểm thực hiện để tận dụng chính sách này, tránh việc chỉ hưởng ứng phong trào, vừa không thiết thực vừa gây lãng phí nguồn lực chất xám.
Dĩ nhiên công tác này cần gắn liền với việc thông tin, quảng bá các chính sách trong nước cùng với chủ trương đại đoàn kết dân tộc để khích lệ tinh thần yêu nước của các kiều bào.
Bộ Ngoại giao đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng đề án Chính phủ về thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nguồn lực trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sẽ là một trong các trọng tâm.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là “mái nhà chung” của bà con kiều bào, sẽ nỗ lực kết nối, tập hợp các chuyên gia, trí thức và giới thiệu họ tới các cơ quan, địa phương trong từng lĩnh vực cụ thể với cơ quan chuyên môn trong nước.
Đóng góp cho nhân loại và nước nhà
Tiến sĩ Nguyễn Duy Hà là chuyên gia vật lý lượng tử nhiệt độ thấp tại Đại học Bách khoa Vienna (Áo). Đây là nhóm nghiên cứu số 1 của Áo và là một trong bảy nhóm nghiên cứu nhiệt độ thấp hàng đầu của châu Âu.
Trong chuyến thăm gia đình tiến sĩ Hà ngày 24-7-2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng bên cạnh việc đóng góp trí tuệ cho khoa học công nghệ của nhân loại, cơ sở nghiên cứu sở tại, những thành tựu khoa học của ông Hà còn có ý nghĩa khích lệ, động viên đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ nước nhà.
“Thành công đó cũng góp phần mang đến những gợi mở rất hay cho Bộ Khoa học và Công nghệ, cho Chính phủ, cho Nhà nước trong việc đề ra chính sách khuyến khích, động viên các nhà khoa học trong nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ ngày càng hiệu quả”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói.
Người đứng đầu Nhà nước cũng mong muốn với kinh nghiệm quý báu của mình, tiến sĩ Hà sẽ tăng cường kết nối với các nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong nước. Từ đó vừa kết hợp nghiên cứu vừa đề xuất hoàn thiện chính sách, đồng thời chia sẻ niềm đam mê để tìm kiếm kết quả vượt bậc trong khoa học, đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Đêm ngủ mơ về hồ Hoàn Kiếm
Hơn 30 năm gắn bó với ngành ngoại giao, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở Nhật Bản, châu Úc, châu Âu và thấy họ luôn đau đáu nghĩ về quê hương.
Có người còn nói với tôi rằng đêm họ ngủ mà vẫn mơ đang được đi dạo ở hồ Hoàn Kiếm. Thể xác họ ở đó nhưng tâm hồn và suy nghĩ vẫn hướng về Tổ quốc. Ai cũng muốn đóng góp cho quê hương.
Trong 20 năm qua, ủy ban đã tổ chức thành công Trại hè Việt Nam dành cho đối tượng kiều bào thanh, thiếu niên ưu tú, đồng thời sắp tới sẽ có các chương trình du lịch ưu đãi dành riêng cho kiều bào.
Vì vậy, tôi nghĩ tổ chức một Trại hè doanh nhân dành riêng cho kiều bào trí thức cũng là một ý tưởng hay, thông qua đó có thể thu hút kiều bào trí thức, doanh nhân về tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh, giao lưu với doanh nhân trẻ trong nước.
Tuoitre.vn