Ít ai ngờ kiến trúc sư Nguyễn Hà trước khi trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng kiến trúc Moira Gemmil (Anh) hạng mục Nữ kiến trúc sư trẻ tài năng triển vọng thế giới lại “nổi tiếng” là một kiến trúc sư “bị từ chối”, gần 20 năm không có thiết kế nào được xây dựng.
“Một canh bạc”
* Giải thưởng Nữ kiến trúc sư trẻ tài năng triển vọng thế giới (Giải thưởng Moira Gemmil) có ý nghĩa gì với chị?
– Tất nhiên được giải thưởng thì ai chẳng vui. Vinh dự chứ. Đây là giải thưởng họ tự đề cử chứ không phải tôi gửi ứng thí.
Trước khi họ trao giải thưởng này cho tôi thì công trình Bảo tàng Đạo Mẫu đã được lựa chọn là 1 trong 14 công trình hay nhất của năm 2023 do tạp chí thiết kế và kiến trúc danh tiếng Domus của Ý lựa chọn.
Nếu như Domus chỉ xét đến kiến trúc dưới góc độ thuần kiến trúc thì Giải thưởng Moira Gemmil lại đề cao tính phản biện xã hội của kiến trúc. Tôi vui vì công trình mình thiết kế được ghi nhận trên thế giới ở cả hai tiêu chí.
Trong phát biểu nhận Giải thưởng Moira Gemmil vừa rồi, tôi có nói: sự bảo thủ và lòng kiên định có một ranh giới vô cùng mong manh. Khi những nỗ lực của bạn không được thừa nhận trong một thời gian dài, bạn được coi là kẻ bảo thủ.
Nhưng khi bạn được thừa nhận, sự bảo thủ kia lập tức được gọi là lòng kiên định. Chắc hẳn tôi có thể đã được coi là kẻ bảo thủ suốt 20 năm, và khi được trao giải thì người ta lại gọi đó là lòng kiên định.
* Trước khi được ghi nhận bởi giải thưởng danh tiếng, chị “nổi tiếng” là kiến trúc sư “bị từ chối”, vì sao nghệ sĩ Xuân Hinh lại đồng ý xây công trình quan trọng nhất cuộc đời của ông từ thiết kế của chị, trong khi trước đó ông đã làm việc với vài kiến trúc sư nổi tiếng?
– Ban đầu nghệ sĩ Xuân Hinh đã tìm những kiến trúc sư giỏi và thành danh nhất để thiết kế Bảo tàng Đạo Mẫu, nhưng việc chưa thành. Ông tìm tới kiến trúc sư Phó Đức Tùng và anh Tùng giới thiệu tôi với ông.
Thấy tôi chưa có tên tuổi gì, chưa có công trình gì được xây nhưng ông vẫn tin tưởng làm việc cùng tôi sau khi tôi trả lời câu hỏi của ông sẽ xây công trình này bằng gì. Ông thích ý tưởng xây dựng từ những viên ngói cũ của tôi.
Tôi rất biết ơn Xuân Hinh vì đã đặt lòng tin vào tôi khi tôi chưa có thành tựu gì. Ông đã chọn tôi như một canh bạc. Ông bảo ông nhìn thấy ở tôi một sự nhất tâm, khi đã để tâm vào một việc gì thì sẽ không bị tác động bởi bất cứ điều gì, cứ thế lầm lì làm.
* Chị hài lòng nhất điều gì ở công trình Bảo tàng Đạo Mẫu?
– Mọi người thăm bảo tàng rất ấn tượng vì sự tỉ mỉ của các công trình xây bằng ngói…
Nhưng một số người bạn của tôi là kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, nghệ sĩ Sơn X thì đọc ra ngay cái hay trong thiết kế của tôi chính là nhìn ra vẻ đẹp của khu vườn bị ẩn mình và bảo tồn, tôn vinh được vẻ đẹp ấy bằng các công trình kiến trúc.
Nói cách khác, kiến trúc lúc đó chỉ là nền cho vẻ đẹp của khu vườn.
Vừa đến đây lần đầu tôi đã bị ấn tượng bởi khu vườn với những cây vải cổ thụ có dáng tựa như hương khói, quá phù hợp để đặt vào một ngôi đền.
Tôi quyết định phải giữ lại khu vườn, tránh không chặt một cái cây nào. Tất cả những xây dựng chỉ được xen kẽ và bao quanh khu vườn và tôn vinh vẻ đẹp của khu vườn thôi.
Nghề kiến trúc rất khắc nghiệt
* Một kiến trúc sư mà vẽ các dự án đều không được xây dựng thì sống bằng gì?
– Một số kiến trúc sư khi chưa có tên tuổi thường chọn chấp nhận miễn phí hoặc lấy chi phí rất thấp cho những ý tưởng kiến trúc ban đầu, tôi không như vậy.
Tôi kiên định với quan điểm rằng kiến trúc là một tác phẩm không phải được vẽ trong vài phút mà là kết quả của cả một quá trình tích lũy trí tuệ, trải nghiệm của mình nên khách hàng phải trả tiền cho ý tưởng kiến trúc ngay cả khi họ không sử dụng.
Tất nhiên số tiền không nhiều nhưng tôi vẫn sống được, thỉnh thoảng tôi cũng nhận cải tạo nhà cửa cho bạn bè.
* Làm thế nào để chị vượt qua được cảm giác của một kiến trúc sư “bị từ chối” suốt gần 20 năm?
– Nếu bị từ chối một vài lần thì chắc là cũng buồn, nhưng bị từ chối 100 lần thì sao mà buồn được nữa. Việc bị từ chối cứ lặp đi lặp lại khiến tôi không có một trông đợi nào cả khi vẽ.
Đến mức mà nếu khách hàng đồng ý với bản thiết kế của tôi và cho xây dựng thì tôi còn ngạc nhiên, chứ bị từ chối thì lại là bình thường.
Vì không trông đợi nên tôi chỉ muốn vẽ ra thứ hay nhất mà mình mong muốn, làm việc hết sức, còn thành hay bại không phải do mình quyết định.
Vẫn phải bước tiếp thôi. Thực ra việc tạo ra một bản thiết kế đã đem lại cho tôi niềm vui rồi, không cần bản vẽ ấy phải trở thành một công trình hiện hữu thực sự.
* Nhưng chị có thể thỏa hiệp một chút để các thiết kế của mình được khách hàng chấp nhận mà?
– Nghề kiến trúc rất khắc nghiệt. Mỗi công trình xây dựng mất vài ba năm hoặc lâu hơn. Cuộc đời một kiến trúc sư khá lắm cũng hành nghề được 50 năm, tương đương khoảng 10 công trình, nếu có cộng sự đồng hành thì có thể làm được nhiều hơn chút.
Vậy bạn có muốn mình chấp nhận làm những thứ mình không thích không? Cuộc sống sẽ vô vị, chán ngắt lắm. Nên tôi chọn không thỏa hiệp.
Lựa chọn đó không phải là kỳ dị, cũng chẳng phải lòng kiên định gì cả.
Nó đơn giản là lựa chọn của cá nhân tôi, lựa chọn của người muốn được tự do và hạnh phúc. Lựa chọn thỏa hiệp kia mới là lựa chọn đau khổ với tôi.
* Chị nghĩ sao về cái tên “kẻ lữ hành kỳ dị” mà mọi người dành cho chị?
– Đó là cái tên chị Trâm Vũ ở Manzi Art Space đặt cho tôi khi chị đề nghị làm triển lãm các thiết kế bị từ chối của tôi vào năm 2022.
Tôi tôn trọng cách mọi người nhìn nhận, đánh giá về mình. Họ thấy tôi không đi con đường chung mà mọi người vẫn đi, có thể không giống mọi người. Nhưng tôi không nghĩ mình kỳ dị.
Tôi chỉ lựa chọn để thấy mình được vui. Đối với tôi, được làm kiến trúc, được vẽ kiến trúc là vui. Vẽ mang lại cho tôi nhiều niềm vui hơn tiền bạc.
* Hẳn chị phải có một nội lực mạnh mẽ để có thể kiên định như vậy với con đường mình chọn?
– Chỉ đơn giản tôi là người quá vô tư và hay quên. Niềm vui hay nỗi buồn tôi đều quên rất nhanh, để bắt đầu vào một việc mới. Tôi không để niềm vui hay nỗi buồn dính vào mình.
Kiến trúc sư Nguyễn Hà sinh năm 1980. Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường đại học Xây dựng, chị nhận học bổng cao học kiến trúc tại Học viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. Sau một thời gian làm việc tại Thụy Sĩ, năm 2010 chị về nước, mở văn phòng thực hành cùng hai kiến trúc sư Thụy Sĩ.
Bảo tàng Đạo Mẫu do nghệ sĩ Xuân Hinh xây dựng trên mảnh vườn hàng ngàn mét vuông tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Ông xem đây là công trình tâm huyết của cả đời mình để tri ân Mẫu, tri ân tiền nhân vì bao năm đã “ban lộc” cho ông, và để giáo dục con cháu về lòng biết ơn với tiền nhân. Ông đặt tên cho bảo tàng là Linh từ – uống nước nhớ nguồn.
Bảo tàng Đạo Mẫu gây ấn tượng với ý tưởng xây những kiến trúc hiện đại từ hàng triệu viên ngói cũ chứ không phải xây bằng gạch như thông thường. Xuân Hinh đã bỏ ra hai năm để thu mua ngói cũ từ hàng trăm hộ dân khắp cả nước.
Bảo tàng không chỉ là ngôi đền thờ Đạo Mẫu mà còn là nơi lưu giữ những vật phẩm văn hóa, nghệ thuật dân gian, di sản âm nhạc… mà Xuân Hinh đã sưu tập suốt mấy chục năm qua. Đây cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm trong sự nghiệp của ông.