Vĩnh Phúc Theo chị Nguyễn Thị Thanh, sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ không có gì quá phức tạp, yếu tố then chốt để thành công là sự kiên trì và nghiêm túc.
Vườn trồng thanh long ruột đỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Vân Trục (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) những ngày này tấp nập thương lái đến tranh nhau mua hàng. Nhiều người không ngần ngại trả cao hơn 1 đến 2 giá để mong có được những thùng thanh long chất lượng.
Theo chị Thanh, sở dĩ có được niềm vui như vậy là do toàn bộ 500 trụ thanh long của gia đình được trồng theo hướng hữu cơ, “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học nên thương lái rất ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Năm 2021, gia đình chị bén duyên với hình thức canh tác theo hướng hữu cơ khi được sự hỗ trợ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và vật tư đầu vào (phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học) của Công ty Quế Lâm Phương Bắc (thuộc Tập đoàn Quế Lâm).
Giai đoạn đầu tiếp cận với hình thức canh tác mới chị không khỏi mông lung, lo lắng. Tuy nhiên, trăm hay không bằng tay quen, vừa làm vừa học, chị nhận ra sản xuất theo hướng hữu cơ không có gì quá phức tạp và khác biệt so với sản xuất thông thường trước đây.
Điểm khác duy nhất là sử dụng toàn bộ vật tư đầu vào hữu cơ, sinh học thay thế cho vật tư hóa học để cải thiện dinh dưỡng, độ tơi xốp, tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển và bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp cây trồng thuận lợi hấp thu dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh…
Chị Thanh chia sẻ, yếu tố then chốt để trồng thanh long theo hướng hữu cơ thành công là sự kiên trì và nghiêm túc. Bởi lẽ, thời gian dài sử dụng vật tư hóa học khiến chất đất bị chai cứng, thiếu dinh dưỡng. Cây trồng quen với việc hấp thu các chất dinh dưỡng tan nhanh nên khi chuyển đổi cần nhiều thời gian để tăng dần tỷ lệ hữu cơ cung cấp cho cây rồi mới tiến tới thay thế toàn bộ.
Lượng phân bón hữu cơ sử dụng cho 1 trụ thanh long mỗi năm khoảng 50kg (trung bình mỗi năm bón 4 đợt, mỗi đợt 12 – 13kg/trụ) và định kỳ phun thuốc BVTV sinh học, giá thành của những vật tư này cao hơn so với dùng vật tư hóa học. Cho nên nếu người trồng không kiên trì, nghiêm túc tuân thủ kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, không thay đổi thói quen hám rẻ, xuề xòa thì sẽ không thể làm được.
Cũng theo chị Thanh, qua theo dõi nhận thấy năng suất trung bình của thanh long khi canh tác theo hướng hữu cơ đạt từ 25 – 30kg/trụ/năm (không chênh lệch quá lớn với sản xuất thông thường). Tuy nhiên, những lợi ích khác thu được lại không hề nhỏ.
Vườn trồng thanh long nằm bao quanh khu vực gia đình sinh sống nên từ khi không dùng vật tư hóa học, môi trường trở nên trong lành, sức khỏe gia đình được cải thiện. Bên cạnh đó, khi “sức khỏe” đất được tăng lên, cây trồng trở nên khỏe mạnh, độ bền cây cao, giúp giảm nhiều công chăm sóc.
Đặc biệt, sản phẩm tạo ra thuận lợi trong tiêu thụ, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường. Nhờ đó, giá bán luôn cao hơn từ 5.000 – 7.000 đồng/kg so với sản phẩm canh tác thông thường.
“Lợi ích khi canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn ai cũng nhìn thấy. Bản thân các hộ trồng cũng không ngại thay đổi. Tuy nhiên, quan trọng nhất phải có thị trường, đầu ra ổn định với giá bán tốt cho dòng sản phẩm này thì mới kích thích được số đông thay đổi phương thức canh tác dựa vào vật tư hóa học”, chị Thanh bộc bạch.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/kien-tri-nghiem-tuc-trong-thanh-long-huu-co-d396331.html