Phát biểu tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn VN ngày 2.12, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Đình Khang cho biết, nhiệm kỳ qua, hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Các cấp công đoàn, nhất là Tổng LĐLĐ VN chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ như quyền lựa chọn việc làm, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, vấn đề nhà ở, điều kiện làm việc của NLĐ, các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…
Tổ chức công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, công đoàn đã thể hiện rõ, hiệu quả vai trò đại diện NLĐ. Trong 5 năm qua, việc đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34% đã góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các cấp công đoàn ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và con của NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng với 10 triệu lượt NLĐ được thụ hưởng…
5 năm qua, các cấp công đoàn đã kết nạp hơn 4,4 triệu đoàn viên, thành lập hơn 24.000 công đoàn cơ sở; triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn… “Những kết quả toàn diện của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước nhiệm kỳ qua đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn VN”, ông Khang khẳng định.
Thời gian tới, Tổng LĐLĐ VN đề ra các chỉ tiêu phấn đấu với 3 khâu đột phá: đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các DN ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại DN ngoài khu vực nhà nước.
“Công đoàn sẽ kiên trì mục tiêu nâng cao phúc lợi xã hội cho lao động, giải quyết căn bản vấn đề nợ đọng BHXH kéo dài, hạn chế, phòng ngừa tín dụng đen trong công nhân”, ông Khang nhấn mạnh.
8 kiến nghị của người lao động, cán bộ công đoàn
Tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn VN, Tổng LĐLĐ VN lựa chọn một số vấn đề lớn từ các ý kiến góp ý của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước, báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
1. Cần quy định mỗi năm người sử dụng lao động phải dành ít nhất 1 ngày để công nhân, NLĐ được học tập chính trị, pháp luật; khuyến khích các đơn vị thương lượng để có nhiều hơn 1 ngày.
2. Cần quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của NLĐ và hoạt động công đoàn.
3. Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động.
4. Có cơ chế phân bổ biên chế phù hợp; cho thí điểm cơ chế tuyển dụng cán bộ công đoàn, quan tâm tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn như luật hiện hành.
5. Ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy NLĐ có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho NLĐ.
6. Sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động; tăng ngày nghỉ lễ, tết hằng năm vào thời điểm thích hợp. Trong đó, nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ 2 – 5.9).
7. Tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với NLĐ.
8. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức, DN đối với hoạt động công đoàn.