Tạo môi trường tin cậy cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Ngày 23/2, những nội dung chính cùng kế hoạch triển khai ‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050’ đã được Bộ TT&TT phổ biến tới đại diện các bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn của ngành TT&TT.

W-cong-bo-quy-hoach-ha-tang-tttt-2-1-1.jpg
Quy hoạch hạ tầng TT&TT trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/1, vừa được Bộ TT&TT chính thức công bố. 

Chủ trì hội nghị công bố quy hoạch, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, quy hoạch hạ tầng TT&TT có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Bởi lẽ, quy hoạch này hoạch định không gian cũng như nguồn lực cho sự phát triển hạ tầng TT&TT, với định hướng phát triển hạ tầng TT&TT thành hạ tầng thế hệ mới, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số.

“Việc triển khai hiệu quả quy hoạch sẽ giúp cho việc thông minh hóa các hạ tầng kinh tế xã hội, từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, cũng như kiến tạo ra các động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT, đơn vị được Bộ TT&TT giao xây dựng quy hoạch, thời gian qua, hạ tầng TT&TT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy vậy, kỷ nguyên số đặt ra những yêu cầu cao cho việc phát triển hạ tầng TT&TT để đảm bảo gắn kết sự phát triển trên môi trường số với không gian phát triển vật lý truyền thống, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cũng vì thế, trong quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng TT&TT là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

w-thi-truong-buu-chinh-1-1.jpg
Mạng bưu chính là một thành phần trong tổng thể hạ tầng TT&TT. (Ảnh minh họa)

Hạ tầng TT&TT cũng được đặt trong sự liên kết, đồng bộ nội ngành và liên ngành để có thể trở thành hạ tầng của hạ tầng, nền tảng cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, hạ tầng TT&TT còn hướng đến các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền, phát huy lợi thế vùng trên cả nước.

Ông Trần Minh Tân cũng cho biết, để đạt được các mục tiêu cao của quy hoạch,  nhiều giải pháp trọng tâm đã được đưa ra, trong đó có thể kể đến một số giải pháp đột phá như: dừng triển khai công nghệ viễn thông di động thế hệ cũ theo lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các băng tần cho công nghệ mới, đồng thời quy hoạch bổ sung băng tần mới để phát triển các công nghệ di động thế hệ mới 4G, 5G và các thế hệ tiếp theo; tập trung phát triển mạng 5G từ năm 2025; phân bổ tài nguyên viễn thông theo cơ chế thị trường đủ để bảo đảm cung cấp chất lượng dịch vụ viễn thông ngang tầm khu vực và thế giới;

Chính sách cho phép trung tâm dữ liệu được áp dụng cơ chế mua điện trực tiếp tại nguồn, cho phép các trung tâm dữ liệu khu vực được áp dụng các cơ chế đặc thù, ưu tiên đặt tại các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của Việt Nam; ban hành chính sách khuyến khích và bắt buộc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung; thúc đẩy việc kết nối, liên thông dữ liệu để nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, tiết kiệm nguồn lực xã hội; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển các sản phẩm trọng điểm Make in Viet Nam phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh…

Bộ TT&TT kêu gọi sự đồng hành trong triển khai quy hoạch

Trao đổi với các đại biểu dự hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định, việc triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới rất cần sự nỗ lực, chủ động, tích cực, sáng tạo, kịp thời và sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. “Bộ TT&TT kêu gọi sự đồng hành, hợp tác, ủng hộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp TT&TT chủ lực trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch”, Thứ trưởng nói.

Cụ thể, ngoài việc chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần chủ  động phối hợp với các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là hướng dẫn triển khai các nội dung, giải pháp cho quy hoạch. 

W-cong-bo-quy-hoach-ha-tang-tttt-1-1-1.jpg
Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh: việc triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT rất quan trọng với sự phát triển tổng thể kinh tế xã hội Việt Nam. 

Với vai trò là đơn vị đầu mối quản lý quy hoạch, Viện Chiến lược TT&TT sẽ tập trung nguồn lực xây dựng Hệ thống thông tin quản lý quy hoạch, kết nối với cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia. Mục đích là để có thể chủ động theo dõi, kịp thời điều phối trong bối cảnh chúng ta cần tăng cường sự liên kết ngành cũng như sử dụng chung hạ tầng.

Thứ trưởng lưu ý thêm, Viện Chiến lược TT&TT không chỉ chủ động trong triển khai mà còn cần chủ động trong phối hợp, tìm ra cách làm mới, tìm những giải pháp hay trong triển khai. Để kịp thời, số liệu quản lý quy hoạch phải đúng, đầy đủ, toàn diện, và quan trọng nhất là hướng tới “dữ liệu thời gian thực, sống”, ứng dụng công nghệ số để cảnh báo tự động dựa trên các kịch bản nhằm sẵn sàng thích ứng với sự biến động. 

Bên cạnh những đề nghị cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông, đại diện Bộ TT&TT cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực  TT&TT sớm xây dựng kế hoạch hoặc lồng ghép, cập nhật các nội dung trong quy hoạch này vào chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển đơn vị mình, với 5 trọng tâm chính.

Chỉ ra điểm mới trong trong triển khai Luật Quy hoạch 2017 là sự tích hợp, đồng bộ, liên kết trong hệ thống các quy hoạch, các cấp quy hoạch, Bộ TT&TT còn đề nghị các bộ, ngành phối hợp với Bộ để kịp thời đề  xuất việc cập nhật, sửa đổi những quy hoạch ngành đã được ban hành để đảm bảo có sự đồng bộ và liên kết; cũng như trong phối hợp xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

Ưu tiên phát triển hạ tầng TT&TT theo định hướng Make in Viet NamMột quan điểm của ‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050’ mới được phê duyệt, là hạ tầng TT&TT được ưu tiên phát triển theo định hướng Make in Viet Nam.