Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Gumball 3000 lần đầu tổ chức sự kiện tại TP.HCM trong hai ngày 14 và 15-9 vừa qua để quảng bá siêu xe, thu hút hàng trăm nghìn người. Đây là dịp tốt để quảng bá du lịch.
Tuy nhiên, một số tình huống không mong muốn như việc ” đã khiến chủ nhà mất điểm với du khách.
Bình luận về vụ việc, bạn đọc tài khoản Nhan viết: “Chỉ biết ngao ngán lắc đầu! Đây là hội chứng đám đông”.
Để không còn cảnh bát nháo nói trên, bạn đọc Nhân đề xuất: Cần trị dứt “căn bệnh” dai dẳng này để giữ hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Còn dưới góc nhìn của bạn đọc Đình Khoa, đây không phải hâm mộ mà là… hăm dọa. Vì sao?
Sau đây là chia sẻ của bạn đọc Đình Khoa:
Tiếc cho cơ hội quảng bá hình ảnh, văn hóa
Trước khi diễn ra sự kiện tại TP.HCM, nhà sáng lập Gumball 3000 bày tỏ sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời tại Việt Nam để kỷ niệm 25 năm hành trình đặc biệt của họ.
Tiếc thay “hội chứng đám đông”, cuồng nhiệt quá mức dẫn đến hành xử thô lỗ đã biến một sự kiện có thể quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra quốc tế lại trở thành chuyện không vui.
Các bạn trẻ đổ xô tràn xuống lòng đường, chặn cả lối di chuyển của đoàn xe, đập cửa kính xin chữ ký, giẫm đạp lên các bồn cây…
Đó là những gì đọng lại trong mắt những ai có mặt tại sự kiện vừa qua.
Cả một rừng điện thoại trên tay chĩa về phía đoàn xe. Người chụp ảnh, người phát live, thậm chí xô xát, ẩu đả lẫn nhau để tranh giành vị trí, cơ hội tiếp cận gần nhất với các tay đua…
Ai đó có thể dễ dàng tặc lưỡi coi là biểu hiện của người hâm mộ nhưng với tôi, việc tạo ra khung cảnh hỗn loạn ở một sự kiện lớn được cả thế giới quan tâm như Gumball 3000, thực sự là một cách hành xử của những người trẻ xấu xí.
Không chỉ ở sự kiện này, mà vô vàn các hoạt động, sự kiện khác đã diễn ra cho thấy nhiều người tham gia có lẽ không quan tâm đến việc tận hưởng trực tiếp những giá trị, cảm xúc ở hiện tại.
Ngược lại, họ chỉ chăm chăm quay phim, chụp ảnh để có cho bằng được những hình ảnh với những người, những việc đang được dư luận quan tâm rồi đăng Facebook, Tiktok, Youtube… câu like, câu view hoặc là kiếm tiền, hoặc coi đó là cách thể hiện đẳng cấp và giá trị bản thân.
Tất cả những điều này hoàn toàn đi ngược lại văn hóa, giá trị của người Việt Nam.
Từ hâm mộ biến thành… hăm dọa?
Trong đám đông đó, thực sự có bao nhiêu người hiểu về siêu xe? Hay tìm đến như một trào lưu “a dua”?
Chưa kể các chủ nhân của hơn 100 siêu xe tham gia sự kiện đều là những tên tuổi nổi bật, có sức ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, nghệ thuật và doanh nhân, YouTuber nổi tiếng, ngôi sao bóng đá, thu hút sự chú ý từ giới trẻ và hàng triệu người hâm mộ toàn cầu.
Và những hình ảnh phản cảm kia đã vô tình bị lan đi.
Khi xem những hình ảnh về sự kiện tôi gửi cho, anh bạn của tôi làm bên ngành giáo dục bật cười nói không biết đây là hâm mộ hay… hăm dọa?
Rồi anh thở dài ngao ngán lắc đầu: “Nói thật là một số bạn trẻ đang hành xử thô bạo và nguy hiểm ở chỗ lại lầm tưởng điều đó là hay, là sành điệu.
Nó có thể là một biểu hiện của sự cô đơn, lạc lõng, mất phương hướng sống tích cực và coi trọng sự kết nối công nghệ hơn kết nối trực tiếp giữa người với người”.
Anh bạn tôi cũng nhận định: Để xảy ra tình trạng hỗn loạn như vậy cũng cho thấy sự yếu kém của ban tổ chức.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khung-canh-hon-loan-tai-gumball-3000-o-viet-nam-ham-mo-hay-ham-doa-20240919114008677.htm