Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất là một trong những KKT được Chính phủ Việt Nam cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi về thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất hiện nay.
KKT Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung với quy mô diện tích 45.332ha tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/02/2023, là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; có trung tâm lọc hoá dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí – luyện kim và trung tâm logictics lớn của khu vực nhằm phát huy và khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai; là đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực.
Cảng Hòa Phát Dung Quất. (Nguồn: UBND tỉnh Quảng Ngãi) |
Dấu ấn thu hút đầu tư
Xác định công tác xúc tiến, thu hút đầu tư là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú trong và ngoài nước, để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thông tin về môi trường, chính sách đầu tư. Công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng được thực hiện thường xuyên trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, cũng như triển khai dự án. Bên cạnh đó, công tác quản lý, hỗ trợ đầu tư được quan tâm và triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời. Các sở ngành, địa phương cũng đã phối hợp kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trước hạn của Ban Quản lý đạt 99,05%; 100% ý kiến đánh giá rất hài lòng và hài lòng về quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại Ban Quản lý. Điều này đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Trong năm, Ban Quản lý đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD. Chỉ tiêu thu hút đầu tư vượt 621% so với kế hoạch đề ra, tăng 791% so với năm 2022.
Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 348 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư tương đương 18,088 tỷ USD, trong đó có 63 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư trên 2,2 tỷ USD. Tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 253 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023, các doanh nghiệp đạt doanh thu khoảng 254.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 24.786 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho khoảng 68.250 lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cán bộ, nhân viên Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngày 1/1/2023. |
Đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững
Trước bối cảnh quốc tế và trong nước đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây. Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển KCN, KKT cần được đổi mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả và bền vững để thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng phát triển xanh.
Thứ nhất, về định hướng phát triển KCN, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 khu công nghiệp, gồm 6 KCN nằm trong Khu kinh tế Dung Quất. Tổng diện tích đất tính toán theo nhu cầu phát triển cho 10 khu công nghiệp này là 6.648 ha. Định hướng phát triển các KCN này theo các mô hình KCN – đô thị – dịch vụ, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai và lợi thế sẵn có để phát triển KKT Dung Quất trở thành KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững.
Thứ hai, về định hướng thu hút đầu tư, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu; hạn chế công nghiệp “thâm dụng năng lượng”, “thâm dụng lao động”, “thâm dụng đất đai, tài nguyên”, tăng các ngành công nghiệp “thâm dụng công nghệ”. Theo đó, tiếp tục khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim và chế tạo cơ khí) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, thu hút các ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; Hình thành và phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển, đảo, các khu vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế, phát triển huyện đảo Lý Sơn gắn với bãi biển Bình Châu, Mỹ Khê trở thành trung tâm du lịch biển – đảo.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi ngày 23/12/2023. |
Nỗ lực thực hiện mục tiêu mới
Năm 2024, Ban Quản lý đề ra mục tiêu thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đạt khoảng 200-300 triệu USD. Trong đó, KKT Dung Quất và các KCN tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí, sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ điện – điện tử; tiếp tục thu hút, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may; đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn.
Song song với đó, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển Trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất thuộc KKT Dung Quất, gắn liền và phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, kết nối với các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong đó: Tích cực phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng, hoàn chỉnh, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án thành lập Trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; Phê duyệt Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch biển – đảo, trong đó, ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng đảo Lý Sơn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu phát lệnh khởi công Dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi ngày 24/12/2023. |
Để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư theo định hướng nêu trên, Ban Quản lý tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất là tập trung xúc tiến các ngành nghề, lĩnh vực mà KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có lợi thế.
Song song với công tác đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng công nghệ số. Nhân rộng các mô hình hỗ trợ pháp lý gắn với đối thoại chuyên đề, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nỗ lực hỗ trợ các dự án có quy mô lớn, trọng điểm như các dự án KCN VSIP Quảng Ngãi, các dự án Hòa Phát, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, triển khai đầu tư xây dựng…
Ngoài ra, tập trung thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, Khu đô thị dịch vụ, du lịch. Các dự án hạ tầng KCN triển khai là tiền để để thu hút các dự án thứ cấp đặc biệt là các dự án FDI và các dự án đầu tư của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi.
Với tiềm năng, lợi thế và nền tảng phát triển sẵn có, cùng với sự quan tâm định hướng và hỗ trợ của Trung ương, sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, KKT Dung Quất sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng là “KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững”, tiếp tục sẽ là động lực, là hạt nhân tăng trưởng của kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quảng Ngãi nói chung và BQL KKT Dung Quất nói riêng mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào KKT Dung Quất, các KCN Quảng Ngãi để hợp tác, cùng phát triển.
Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam với 130 km bờ biển, có hệ thống giao thông đồng bộ, thuận lợi cho phát triển đầu tư, như đường cao tốc nối Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 24 nối liền các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, sân bay Chu Lai, cảng biển nước sâu Dung Quất. Quảng Ngãi là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế lớn dẫn đầu cả nước…. Tất cả góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch phong phú, đa dạng, đa bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều di tích lịch sử, di chỉ văn hóa, nhiều cảnh quan thiên nhiên, địa chất trải khắp từ vùng núi, đồng bằng, vùng biển. Quảng Ngãi còn có nhiều ẩm thực phong phú, đặc sắc. Người dân thân thiện. Định hướng thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ, logicstic và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp năng lượng, tái tạo. Đối với nông nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển vào các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, các cơ sở bảo quản, chế biến thủy sản. Đặc biệt chú trọng vào du lịch, dịch vụ, tích cực thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có tìm lực để đầu tư các khu, điểm du lịch quy mô lớn, hiện đại; thu hút đầu tư vào các dự án y tế, giáo dục, an sinh xã hội. |