Hoàng thành Thăng Long là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tại kỳ họp lần thứ 34 tại Braxin ngày 31/7/2010, Ủy ban Di sản Thế giới họp đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới với các tiêu chí giá trị: minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam; minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ TK 7 cho đến tận ngày nay; liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa – lịch sử quan trọng.
Đoan Môn – Hoàng thành Thăng Long
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới là một sự kiện có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với Việt Nam, thể hiện những bước đi vững chắc của chúng ta trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích đặc biệt quan trọng này.
Hiện nay, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (bao gồm thành cổ Hà Nội và di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) nằm trên một khuôn viên khá rộng: 18,395ha, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, được giới hạn bởi:
Phía Bắc giáp: đường Phan Đình Phùng và đường Hoàng Văn Thụ.
Phía Tây giáp: đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập và khuôn viên Nhà Quốc hội mới.
Phía Nam giáp: đường Bắc Sơn và khuôn viên Nhà Quốc hội mới.
Phía Tây Nam giáp: đường Điện Biên Phủ.
Phía Đông giáp: đường Nguyễn Tri Phương.
Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Hiện tại, trong khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long – Hà Nội còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…
Kinh thành Thăng Long từ thời Lý được xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành, gọi là “tam trùng thành quách”: vòng thành ngoài là La thành hay Đại La thành, vòng thành giữa là Hoàng thành (thời Lý – Trần – Lê gọi là Thăng Long thành, thời Lê còn gọi là Hoàng thành) và vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành (hay Cung thành). Cấm thành từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như không thay đổi và còn bảo tồn cho đến nay hai vật chuẩn rất quan trọng:
+ Thứ nhất là nền điện Kính Thiên xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Đó vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ – Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15.
+ Thứ hai là cửa Đoan Môn, cửa Nam của Cấm thành thời Lý – Trần – Lê. Trên vị trí này hiện nay vẫn còn di tích cửa Đoan Môn thời Lê.
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), trong sách Đại Việt địa dư chí toàn biên có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành Thăng Long thời Lê: “Ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An, ở giữa có Ngọc Giản. Trong Hoàng thành và ngoài Cung thành ở phía Đông là Thái Miếu, sau là Đông Cung”.
Giá trị tiêu biểu của khu di tích
Giá trị lịch sử
Thành cổ Thăng Long – Hà Nội là di tích lịch sử và khảo cổ tiêu biểu cho lịch sử dân tộc, là trung tâm chính trị của nước Đại Việt từ năm 1010 đến năm 1802 và sau năm 1945 là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thành cổ Thăng Long – Hà Nội thời quân chủ, với tư cách là trị sở bộ máy triều chính của các Vương triều ở Kinh đô Thăng Long, đã trở thành biểu tượng đế đô của quốc gia dân tộc. Sự tồn vong của thành gắn liền với mỗi chặng đường hưng phế của lịch sử dân tộc.
Ở tất cả các giai đoạn của lịch sử dân tộc, Thăng Long – Hà Nội, mà trung tâm và biểu tượng là khu Thành cổ, luôn là nơi hội tụ và tỏa sáng văn hóa Việt Nam đến mọi vùng miền của đất nước.
Hồn thiêng sông núi đã hội tụ vào đất Thăng Long – Hà Nội, các hiền tài của đất nước từ bao đời đã mang tài trí dựng xây cho vùng đất này xứng đáng là chốn địa linh nhân kiệt, trở thành biểu tượng của đất nước.
Tuy trải qua nhiều biến động, đặc biệt là cuộc phá thành Hà Nội của thực dân Pháp, nhưng cho đến nay, Thành cổ Thăng Long – Hà Nội vẫn còn giữ được một số dấu tích quan trọng và nhất là còn chứa đựng rất nhiều dấu tích dưới lòng đất có giá trị đặc biệt (được tìm thấy ở cuộc khai quật khảo cổ tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu), đã chứng minh cho sự phát triển của lịch sử Thủ đô và dân tộc trên tất cả các mặt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…
Giá trị kiến trúc, nghệ thuật
Các công trình di tích còn lại trên mặt đất như Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn,… cùng với bằng chứng khảo cổ học tại khu di tích 18 Hoàng Diệu, với nhiều dấu tích nền móng của một quần thể kiến trúc cung điện, trong đó có những kiến trúc gỗ có qui mô lớn, cùng nhiều vật liệu xây dựng cao cấp, nhiều đồ gốm sứ ngự dụng, nhiều đồ quý khác của cung đình,… là những chứng tích vật chất phản ánh trình độ kỹ thuật cao, đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật của đất nước trên bình diện phát triển của khu vực và thế giới, nhất là trong thời kỳ thịnh đạt của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần, Lê sơ – thời kỳ được nhiều nhà sử học vinh danh là Kỷ nguyên Văn minh Đại Việt (thế kỷ 11-15).
Thành Hà Nội là một trong những biểu hiện tiêu biểu của việc tiếp thu và kết hợp các kỹ thuật thành lũy công sự kiểu phương Tây với các ý tưởng về một đô thành kiểu Trung Hoa. Có thể nhận thấy, về cơ bản thành Thăng Long – Hà Nội thế kỷ 19 được tổ chức theo mô hình kiểu Vauban, nhưng nó cũng thể hiện được các nét đặc thù của Việt Nam. Trước tiên và quan trọng nhất trong nhãn quan người Việt là tất cả những cấu trúc này phù hợp với các yêu cầu của thuật địa lý phong thủy cổ truyền; chúng được xây tại những địa điểm thuận lợi – nơi mà các đường nét địa linh khác thường của thiên nhiên, nhất là hệ thống sông ngòi, đã được sử dụng triệt để.
Giá trị khảo cổ học
Tại di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu đã tìm thấy những dấu tích cung điện quan trọng. Trải qua 10 thế kỷ với nhiều cuộc chiến tranh, nhiều biến thiên lịch sử và trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng các dấu tích kiến trúc, các loại hình di vật của cung điện xưa vẫn còn được bảo tồn tương đối tốt trong lòng đất. Trong khu di tích còn tìm thấy nhiều đồ dùng, vật dụng của nước ngoài, như các loại đồ sứ của Tây Á, Trung Quốc, Nhật Bản,… phản ánh quan hệ giao lưu văn hoá giữa Thăng Long với thế giới.
Các nhà khoa học hàng đầu của đất nước về lịch sử, khảo cổ và văn hoá đều nhất trí định danh, định tính khu di tích 18 Hoàng Diệu là một bộ phận nằm trong Cấm thành – tức trung tâm của Hoàng thành. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của đất nước, trung tâm làm việc và nơi ở của vua và hoàng gia qua các triều đại.
Theo nghisitre.quochoi.vn