Theo quy định của Thông tư 29 về dạy thêm học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2, các trường được phép ôn thi cho học sinh cuối cấp nhưng không thu phí.
Vậy các trường THCS, THPT có tổ chức ôn thi đối với học sinh (HS) lớp 9 và 12 để chuẩn bị cho 2 kỳ thi quan trọng diễn ra vào tháng 6 sắp tới hay không và giáo viên (GV) có được chi trả thù lao?
PHỤ HUYNH NGƯỜI MỪNG, NGƯỜI LO
Trên các nhóm dành cho GV, phụ huynh, HS, đề tài "nóng" nhất những ngày gần đây là việc chuẩn bị thực hiện quy định mới về dạy thêm. Băn khoăn có, lo lắng có nhưng đa số là đồng tình.
Việc ôn tập cho học sinh lớp 9, 12 chuẩn bị thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi theo quy định mới về dạy thêm, học thêm của Thông tư 29
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Một GV viết: "Tôi là một GV đã công tác 30 năm trong nghề. Tôi thấy cấm dạy thêm ở trường là đúng. Vì không thể dùng tài sản công phục vụ cho mục đích riêng. Cụ thể trường lớp, bàn ghế, điện nước là tài sản công, không thể để phục vụ mục đích kiếm tiền cho một số GV dạy toán, văn, tiếng Anh được…". Cũng giống như bác sĩ, không thể sáng khám chữa bệnh theo phân công của cơ quan xong chiều vẫn ngồi đó khám bệnh thu tiền chia nhau được. Muốn khám bệnh phải tham gia ở phòng khám tư, làm việc ngoài giờ hành chính có đăng ký kinh doanh và đóng thuế. Dạy thêm cũng nên như vậy…".
Một ý kiến của phụ huynh thì bày tỏ "rất ủng hộ Thông tư 29 vì nhờ đó mà con tôi đang học tiểu học được nghỉ thứ bảy, không cần lọ mọ dậy sớm để đi học nữa mà được ngủ thêm, lấy lại năng lượng cho 1 tuần thiếu ngủ…".
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh lo lắng khi trường trung học thông báo dừng dạy buổi 2 có thu tiền như lâu nay vẫn thực hiện: "Các bác có cách gì hay để quản lý các con vào buổi chiều mà tiền học chỉ mất như khi đang học ở trường không".
Tại TP.HCM, phụ huynh Nguyễn Lâm, có con đang học lớp 9 tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), bày tỏ: "Bé nhà tôi đang học cuối cấp để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tôi vẫn mong muốn con được tham gia lớp ôn thi trong trường. Kinh nghiệm từ chị của bé cho thấy học trong trường, có sự quản lý và thực hiện theo kế hoạch thời khóa biểu của nhà trường nên phụ huynh yên tâm. Bên cạnh đó, thông qua việc dạy hằng ngày GV đều nắm được năng lực cũng như những lỗ hổng kiến thức cần bổ sung hoặc cần nâng cao cho từng HS. Đó là chưa kể năm nay là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng theo cấu trúc định dạng đề thi mới là vô cùng cần thiết".
Thế nên, phụ huynh Nguyễn Lâm cho biết: "Theo quan điểm của tôi thì đây là hoạt động dạy ngoài tiết nghĩa vụ, trách nhiệm chính khóa của GV thì cần có kinh phí hỗ trợ trả ngày giờ công làm ngoài giờ. Ngân sách nhà nước không cấp thì nên xã hội hóa với chính những phụ huynh có nhu cầu cho con em tham gia. Hoặc các trường tính toán hình thức nào đó phù hợp, đúng quy định để động viên thầy cô".
Còn Nguyễn Mai Khanh, HS lớp 12 đang học tại một trường THPT ở Q.1, nói: "Em mong muốn được ôn thi tốt nghiệp trong trường vì nếu học xong một buổi, một buổi về nhà tự học thì em chưa tự tin lắm về sự tập trung của mình. Dù sao việc học tập trung tại trường dưới sự hướng dẫn của GV thì mọi việc sẽ ổn hơn. Đặc biệt, khi trên lớp, cần giải đáp tức thời em có thể thắc mắc trực tiếp với thầy cô của mình".
Công khai các trường hợp vi phạm
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn nhà trường, cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh THCS, THPT; quy định về dạy thêm, học thêm đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Trong đó, yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát, yêu cầu xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm theo quy định. Công điện cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nói trên, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
NƠI DỪNG, NƠI TIẾP TỤC VỚI NHIỀU GIẢI PHÁP
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều nhà trường tại Hà Nội đã thông báo dừng học thêm, học buổi 2, học ôn tập phục vụ các kỳ thi... Tuy nhiên, những trường lâu nay không thu tiền của HS cho các hoạt động này thì vẫn không đưa ra bất cứ thông báo nào khác. Ví dụ, tại Trường THPT Việt Đức, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết quy định mới không ảnh hưởng gì đến nhà trường vì lâu nay trường không thu tiền cho hoạt động bồi dưỡng, phụ đạo hay ôn tập với HS lớp 12… Chỉ có điều nhà trường phải nhắc nhở GV không vi phạm các quy định dạy thêm ngoài nhà trường.
Tương tự, bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho hay trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường đã quán triệt tới tất cả GV trong trường về "3 không": không tổ chức dạy thêm trong trường; không dạy thêm ngoài trường với HS do mình giảng dạy; không tổ chức quản lý dạy thêm ngoài trường. Cùng với đó là "2 có": bồi dưỡng HS giỏi tham gia đội tuyển của trường; tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho HS năm nay thi tốt nghiệp để đạt kết quả tốt. Với hai nội dung này, nhà trường sẽ chi trả kinh phí theo quy chế chi tiêu nội bộ. Theo bà Yến, dù mức chi trả không cao nhưng GV ủng hộ và nhiệt tình tham gia.
Tại TP.HCM, trước mong muốn của phụ huynh và HS, lãnh đạo các trường THCS, THPT đều cho biết sẽ đáp ứng nhu cầu của HS, dù cách thức thực hiện mỗi nơi khác nhau.
Là một trong những trường có điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 thấp nhất TP.HCM, hằng năm, Trường THPT An Nhơn Tây (H.Củ Chi) phải nỗ lực rất lớn trong công tác dạy và học để HS hoàn thành bậc THPT, đảm bảo điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Chính vì vậy, lãnh đạo nhà trường nhìn nhận việc tổ chức ôn tập cho HS đóng vai trò rất quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Hoa Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, cho biết hiện trường vẫn đang chờ Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện Thông tư 29. Tuy vậy, nhà trường cũng có sự chuẩn bị tính toán các phương án có thể thực hiện như chi trả thù lao cho GV, dù có thể ít hơn so với mọi năm hoặc vận động thầy cô dạy ôn tập không có thù lao, hay cũng có thể vận động phụ huynh nào đó mạnh về kinh tế có thể đứng ra tài trợ cho hoạt động ôn thi của HS nhà trường… Các phương án sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo thực hiện đúng quy định.
Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây cũng thông tin thêm những năm học trước, ngoài việc học ôn thi cho HS lớp 12 tại trường, nhiều GV sẵn sàng phụ đạo, ôn tập thêm cho HS mà không thu phí, nhất là GV bộ môn toán, tiếng Anh.
Ông Trần Công Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (Q.7), cho hay chấp hành đúng theo quy định của Thông tư 29, tính đến thời điểm hiện tại, trường vẫn chưa nghĩ đến chuyện sẽ mở các lớp ôn tập rộng rãi như những năm trước, mà chỉ là tạo ra những không gian học tập cho HS, GV ở trường giúp đỡ, cung cấp tài liệu ôn tập.
Ngoài ra, mục tiêu của nhà trường là chuẩn bị kiến thức cho HS tốt nhất có thể để các em tự tin bước vào kỳ thi quan trọng. Qua thăm dò ý kiến và nhà trường kêu gọi thì một số GV có thể tự nguyện đăng ký tham gia dạy phụ đạo cho HS, hoàn toàn không thu tiền.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP.Thủ Đức, cho biết hiện tại nhà trường vẫn tổ chức cho HS lớp 12 học tăng tiết những môn dự kiến các em sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT như kế hoạch từ đầu năm học. Thời gian tới, nhà trường vẫn mở lớp dạy thêm cho HS khối 12 để hỗ trợ các em ôn thi, chỉ khác là không thu học phí.
Tương tự, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cũng khẳng định nhà trường sẽ tổ chức lớp ôn thi lớp 10 cho HS, dù không được phép thu tiền và nhà trường kêu gọi sự đồng lòng của các GV.
Nhiều trường hợp tìm cách "lách luật"
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình (Hà Nội) cho hay đã yêu cầu các nhà trường phổ biến và thực hiện nghiêm quy định mới về dạy thêm, học thêm.
"Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Phòng GD-ĐT về các vi phạm. Nhà trường có cán bộ, GV vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm không xét danh hiệu thi đua trong năm học", lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình nhấn mạnh. Việc dạy thêm ngoài nhà trường cũng đang diễn biến theo chiều hướng khác nhau. Các trung tâm văn hóa đã được cấp phép thì vẫn hoạt động bình thường nhưng với GV dạy từng nhóm lớp chưa đăng ký kinh doanh theo quy định mới thì thông báo tạm dừng để chờ hướng dẫn.
Tuy vậy, cũng không ít phụ huynh chia sẻ vẫn chưa thấy "động tĩnh" thay đổi gì từ phía GV. Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay con học thêm 1 buổi vào sáng thứ bảy ở nhà cô chủ nhiệm và đến ngày 10.2 vẫn chưa thấy cô thông báo gì về việc dừng.
Trong khi đó theo quy định thì cấm cả dạy thêm với HS tiểu học, cấm dạy thêm với HS chính khóa có thu tiền, nếu cô tiếp tục thì vi phạm cả hai điều cấm này.
Nhiều HS và phụ huynh cho biết GV ở các lớp dạy thêm ngoài nhà trường thay vì dừng hẳn việc dạy thêm để xin cấp phép hoạt động kinh doanh thì lại chuyển sang dạy trực tuyến vì cho rằng quy định không cấm dạy thêm trực tuyến. Có GV cũng đã tính đến chuyện "lách luật" bằng cách "đổi chéo" HS cho nhau để vẫn tổ chức dạy thêm mà không phạm vào quy định cấm dạy thêm HS chính khóa có thu tiền...
Tuyết Mai
Nguồn: https://thanhnien.vn/thong-tu-29-khong-thu-tien-on-thi-cuoi-cap-cac-truong-thuc-hien-ra-sao-185250212203205733.htm
Bình luận (0)