(Dân trí) – “Khi ở sân bay Thái Lan, đa số người tiêu dùng dốc hết sạch tiền tiêu trước khi lên máy bay quay trở lại Việt Nam. Nếu ta không thay đổi, sẽ rất lãng phí một ngành bán lẻ dịch vụ lữ hành”.
Tại diễn đàn về thương mại bán lẻ hàng không tại TPHCM vừa qua, lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chia sẻ: “Ngành bán lẻ, dịch vụ sân bay có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên gặp không ít thách thức. Một trong những cách tiếp cận khách hàng tốt hơn, là thay đổi định kiến “hàng hóa ở sân bay rất đắt”.
Lãnh đạo ACV: Cần thay đổi định kiến “hàng hóa ở sân bay rất đắt”
Bình luận về bài viết này, độc giả pha sil Nguyen cho rằng nên thay đổi cách bán hàng và cho thuê dịch vụ bán hàng của ACV thì đúng hơn, vì cho thuê giá cắt cổ nên người thuê quầy họ bán giá trên trời là phải rồi. “Một tô mì với một cái trứng ở ngoài giá chưa đến 10.000 đồng nhưng khi vào sân bay thì giá gần 100.000 đồng, cái này không phải đắt mà là rất đắt”.
Đồng quan điểm, độc giả Citizen viết: “Giá hàng hóa, dịch vụ ở những sân bay lớn, trung tâm không phải rất đắt, mà là rất rất rất đắt! Chai nước suối 20 ngàn, bên ngoài bán 5 ngàn. Tô phở hơn 200 ngàn, tô mỳ gói có nhúm thịt bò 70 ngàn, ổ bánh mỳ thịt bé tẹo 60k mà ngoài chừng 15-20k… chai rượu nhập khẩu hiệu CV bên ngoài bán 1.320 ngàn đồng, trong sân bay bán 1.850 ngàn đồng. Giá ở một sân bay lớn nhất nhì Việt Nam ta đó. Kéo giảm từ những hàng hóa, dịch vụ thông thường là bước đi cơ bản nhất!”.
“Cũng bát phở bò, trong thành phố 50-60 ngàn là ăn ngon ngất ngây vậy mà trên sân bay 168 ngàn, ăn không ra gì. Trước khi muốn thu tiền cao thì nên chú trọng chất lượng dịch vụ, chất lượng món ăn, tiếp theo là giá cả phải cạnh tranh chứ không thể kiểu gà lùa vào chuồng rồi, giá thế nào tôi tự quyết định”, độc giả Sheva Nguyen.
Độc giả Trung: “Làm gì có định kiến, mà sự thật rành rành là nó rất đắt so với mua bên ngoài”.
Độc giả Phạm Quốc Khương: “Không phải là thay đổi định kiến mà là phải thay đổi cách vận hành”.
Độc giả Hoang Hai chia sẻ một thực tế rằng sử dụng dịch vụ ở sân bay từ xưa đến giờ là giá trên trời “Vậy nên hầu hết mọi người đều hạn chế tối đa sử dụng các dịch vụ ở sân bay như ăn, uống hoặc mua bất kỳ sản phẩm nào ở sân bay. Nhiều người mang theo đồ ăn, chỉ số ít người lâu lâu mới đi máy bay hoặc những người có thu nhập khá giả mới ăn uống hoặc sử dụng dịch vụ ở sân bay thôi”.
So sánh với sân bay ở nước bạn Thái Lan, độc giả Bui Thien Duong: “Khi ở sân bay Thái Lan, đa số người tiêu dùng dốc hết sạch tiền tiêu trước khi lên máy bay quay trở lại Việt Nam, chi tiêu trong cảng hàng không ở Thái là rất nhiều tiền, trong khi ở Nội Bài mình thấy rất ít khách hàng chi tiêu ở đó. Nếu không thay đổi, sẽ rất lãng phí một ngành bán lẻ dịch vụ lữ hành với gần 100 triệu dân nội địa và một lượng rất lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/khong-phai-la-dinh-kien-thuc-te-hang-hoa-o-san-bay-rat-dat-20241109095957442.htm