(NB&CL) Nhà báo Lê Tuyết và đồng nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam vừa liên tiếp đoạt giải A Giải Diên hồng và Giải Búa liềm vàng. Cuộc trò chuyện về “cú đúp” đặc biệt này cùng kĩ năng khai thác “Câu chuyện, câu chuyện và câu chuyện của nhân vật”… như một cách truyền cảm hứng, lan toả năng lượng tích cực cho đồng nghiệp và công chúng.
Khó nhất chính là lựa chọn chủ đề
+ Cú đúp Giải A với tác phẩm “Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính: Tinh cán bộ, gọn bộ máy” (Giải Diên hồng) và tác phẩm “Đổi mới thể chế, bước đột phá tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới” (Giải Búa liềm vàng)… đã bàn tới chủ đề rất thời sự. Sự nhạy bén này được khởi nguồn như thế nào, thưa nhà báo?
- Với đề tài “Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính: Tinh cán bộ, gọn bộ máy”, chúng tôi đã ấp ủ từ đầu năm 2024. Sau khi thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 1 vẫn còn gần 1.500 cán bộ, công chức cấp huyện, xã dôi dư. Trong bối cảnh đó, ngày 12/7/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 35 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Đây được ví như một cuộc đại sắp xếp mới, quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Loạt bài của nhóm phóng viên VOV1 đi tìm lời giải cho bài toán dôi dư “lớp trước, chồng lớp sau”, để bộ máy sau khi sáp nhập thực sự tinh, gọn, hiệu quả.
Nhà báo Lê Tuyết.
Còn với tác phẩm “Đổi mới thể chế, bước đột phá tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ban Thời sự trong chuyên mục mới “Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình” của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhóm đã mạnh dạn chọn đề tài về đổi mới thể chế, đây là vấn đề rất lớn, rất khó và nhạy cảm.
Thật trùng hợp khi phát sóng chương trình này vào ngày 21/10, thì tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15 diễn ra ngày 21/10, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân. Có thể nói, ngoài nỗ lực khi thực hiện các tác phẩm, chúng tôi đã rất may mắn khi chạm được đến những vấn đề mang tính thời sự của đất nước.
+ Ở góc độ làm nghề, nhiều năm là phóng viên tháp tùng nguyên thủ quốc gia, lăn lộn tác nghiệp trong nước và quốc tế, ở các kỳ họp Quốc hội… đã giúp chị lựa chọn vấn đề “đúng, trúng”. Với nghề báo, theo chị, sự lựa chọn đề tài, xây dựng ý tưởng cho một sản phẩm báo chí quan trọng như thế nào?
- Có lẽ với bất kỳ phóng viên nào, việc khó nhất đó chính là lựa chọn chủ đề để thực hiện. Cá nhân tôi, thú thật, cũng nhiều lúc phải loay hoay trong việc chọn chủ đề. Bởi chọn chủ đề làm sao cho đúng, trúng vấn đề người dân quan tâm, thính giả muốn nghe, vấn đề liên quan đến hơi thở của cuộc sống. Chọn được chủ đề rồi, việc thực hiện như thế nào, có khả thi hay không? Với những vấn đề thuận chiều sẽ thực hiện dễ dàng hơn.
Những vấn đề gai góc liệu các nhân vật có nói ra không? Cá nhân tôi, việc phát hiện đề tài qua nhiều cách, đó là qua các ý kiến của Đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của các cơ quan Quốc hội, từ đó nảy ra các vấn đề cần đào sâu, phân tích hoặc ý tưởng sẽ được hình thành khi tôi đi công tác, có cơ hội tiếp xúc với các ý kiến từ cơ sở, từ thực tiễn cuộc sống.
Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe
+ Những vấn đề “gai góc” liệu nhân vật có nói ra không?... Quả thực là sự trăn trở rất lớn của nhà báo. Trở lại 2 tác phẩm này, thưa chị, cách xử lý thông tin như thế nào để đạt hiệu quả cao?
- Đó là cái khó của phóng viên nội chính, bởi những vấn đề thuộc mảng này đều mang tính vĩ mô, vừa khó thực hiện và vừa nhạy cảm. Với tác phẩm “Sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính: Tinh cán bộ, gọn bộ máy”, chúng tôi phải tìm những câu chuyện, nhân vật mà chính họ đã bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Làm sao để họ trải lòng nói về vấn đề của chính bản thân mình, những giằng xé nội tâm. Thậm chí khi phỏng vấn lãnh đạo địa phương đã bị từ chối, không trả lời.
“Từ khoá” của các loạt phóng sự mà chúng tôi thực hiện đó là: Câu chuyện, câu chuyện và câu chuyện của nhân vật. Bởi không gì chân thực, không gì thuyết phục bằng những câu chuyện cụ thể, con người cụ thể. Cho nên, khi phỏng vấn các Đại biểu Quốc hội hay các chuyên gia, chúng tôi cũng đặt nguyên tắc này lên hàng đầu.
Nhà báo Lê Tuyết cùng các đồng nghiệp.
+ Đổi mới thể chế, tinh gọn bộ máy, nhân sự… khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình… là bài toán của toàn xã hội. Truyền thông để thuyết phục và định hướng dư luận đồng thuận là bài toán của báo chí cách mạng. Quan điểm của chị như thế nào về trách nhiệm, sứ mệnh này, trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam?
- Đây là một câu hỏi rất khó, rất lớn, trong hoạt động tác nghiệp, tôi nghĩ rằng, phóng viên là người phản ánh chân thực nhất những lát cắt của cuộc sống. Trong đó có những nghĩa cử cao đẹp cần lan toả, những câu chuyện tiêu cực cần phải được cảnh báo. Tất cả điều này cần phải được thực hiện qua các tác phẩm báo chí…
Cá nhân tôi luôn tự nhủ, phải thông tin một cách khách quan, trung thực và đầy đủ nhất những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước đến với thính giả; đồng thời là cầu nối phản ánh những định hướng đó đã được thực hiện ra sao trong thực tế và còn có bất cập gì cần điều chỉnh. Các phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam luôn mong VOV chính là nơi để người dân đặt niềm tin, tìm đến mỗi khi muốn phản biện chính sách hay cung cấp thông tin cần thiết đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội…
+ Xin cảm ơn chị!
Hà Vân (Thực hiện)
Nguồn: https://www.congluan.vn/khong-gi-chan-thuc-thuyet-phuc-bang-cau-chuyen-con-nguoi-cu-the-post335237.html
Bình luận (0)