NHỮNG LẰN RANH GÂY BỨC XÚC
Tới những ngày này, hậu quả chuyện Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn kéo dài. Thanh tra Chính phủ đã có 2 kết luận, sau đó Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Chính trị cũng đã kết luận và quyết định kỷ luật nhiều lãnh đạo cấp cao liên quan tới dự án Thủ Thiêm, song việc giải quyết quyền lợi cho những người dân có đất nằm trong 4,3 ha (tại khu phố 1, P.Bình An, Q.2, nay là TP.Thủ Đức) nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng bị chính quyền TP thu hồi, vẫn chưa kết thúc.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc điều chỉnh quy hoạch Thủ Thiêm. Ngày 4.6.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm ở H.Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức) với khu đô thị mới rộng 770 ha, khu tái định cư rộng 160 ha, dân số là 245.000 người… Tới ngày 16.9.1998, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585, trong đó tự ý điều chỉnh diện tích và ranh giới làm tăng 4,3 ha tại khu phố 1, P.Bình An, Q.2. Thanh tra Chính phủ và chính UBND TP.HCM sau đó thừa nhận việc điều chỉnh này là không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Tương tự, khu tái định cư 160 ha với gần 114 ha chưa có trong quy hoạch 367 được Thủ tướng phê duyệt, UBND TP.HCM vẫn thực hiện giao đất theo quy hoạch chi tiết 1/500 dù chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000. Bên cạnh đó, trong một số dự án TP giao đất cho doanh nghiệp không đúng giấy phép kinh doanh, không đúng thẩm quyền, giao đất không đấu giá… Điều này dẫn đến không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch, phá vỡ quy hoạch được phê duyệt. Việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ, người dân khiếu nại kéo dài song không thể giải quyết dứt điểm. Chính quyền TP vào năm 2018 cũng thừa nhận “mấu chốt” dẫn đến sai phạm là ở chỗ khi thành phố triển khai điều chỉnh thiếu chặt chẽ và không xin ý kiến Thủ tướng.
Những bế tắc trong các vụ khiếu kiện đất đai kéo dài hầu hết liên quan bản đồ quy hoạch. Như vụ việc của bà Nguyễn Thị Kim Bửu (ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom, Đồng Nai) và gần 50 hộ dân tại các xã Sông Trầu, Đông Hòa (H.Trảng Bom). Các hộ dân cho rằng quy hoạch ban đầu khu công nghiệp Bàu Xéo vốn không có phần đất của gia đình họ mà chỉ là phần rừng cao su của Công ty Cao su Đồng Nai, song các chủ đầu tư đã tìm cách để lấy đất của họ. Trong khi đó, chính quyền tỉnh Đồng Nai khẳng định việc xây dựng khu công nghiệp Bàu Xéo là “đúng quy định pháp luật”. Đúng – sai không được phân giải, chỉ biết ngót 20 năm người dân có đất vẫn không chịu nhận tiền bồi thường, tiếp tục khiếu kiện. Phần đất đã được chính quyền cưỡng chế thu hồi thì vẫn bỏ hoang.
Tùy tiện điều chỉnh quy hoạch
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực tế là việc quyết định sử dụng đất đai vào mục đích nào. Việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, do vậy, đều bắt đầu từ các quy hoạch.
Vào năm 2019, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát tối cao về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Thời kỳ giám sát chỉ giới hạn trong 5 năm, từ 2013 khi luật Đất đai hiện hành có hiệu lực, tới 2018. Phạm vi giám sát cũng chỉ giới hạn ở việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Tuy nhiên, những con số từ kết quả giám sát đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy theo báo cáo chưa đầy đủ tại các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 – 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất. Song hành là việc giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số.
Có thể dẫn ra hàng loạt ví dụ về tình trạng “băm nát” quy hoạch ngay tại Hà Nội hay TP.HCM mà nay đang trở thành “cái gai” nhức nhối và nhiều hệ lụy như tại khu đô thị Linh Đàm hay đường Lê Văn Lương. Sự buông lỏng quản lý trong thời gian dài đã khiến khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm vốn được ngưỡng mộ vì quy hoạch hiện đại, hạ tầng đồng bộ, mật độ tập trung dân cư lý tưởng… nay bị phá nát bởi các dự án của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản. Tương tự, sự tùy tiện điều chỉnh quy hoạch khiến con đường dài chỉ 1 km phải “cõng” 40 cao ốc đã biến con đường Lê Văn Lương trở thành “con đường đau khổ” trong sự bức xúc của người dân…
Quốc hội trong nghị quyết giám sát sau đó đã đánh giá: chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển KT-XH và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, trong một phiên cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã nói: “Có khi chỉ 3-4 người ngồi với nhau là có thể điều chỉnh được quy hoạch”. Dù chỉ là câu “nói vui với nhau”, song điều bà Thanh nói lại phản ánh đầy đủ sự tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch vốn là nguồn cơn cho những bức xúc, khiếu kiện thời gian dài vừa qua.
Công khai, minh bạch là mấu chốt
Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ công khai, minh bạch việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; đồng thời hạn chế tối đa việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, nhất là việc điều chỉnh mang “bóng dáng” các nhóm lợi ích. Yêu cầu của chính sách thì rất rõ, song việc thiết kế cũng như thực thi các công cụ chính sách lại luôn là khúc mắc lớn.
Theo quy định của luật Đất đai hiện hành, việc lập quy hoạch đất đai tại địa phương phải được lấy ý kiến cộng đồng, nhân dân và sau khi quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt phải được công khai. Nhưng Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại VN (PAPI) 2022 vừa được công bố đầu tháng 4 vừa qua cho thấy chưa tới 20% người dân trả lời biết quy hoạch đất đai ở địa phương mình. Trong đó tại Đà Nẵng chỉ đạt dưới 10%. Những tỉnh có tỷ lệ cao là Bình Dương, Thừa Thiên-Huế cũng chỉ ở mức gần 30%. Đáng nói là chỉ số này đã được duy trì ở mức thấp trong suốt hơn 10 năm báo cáo PAPI được tiến hành. Đó là những con số “rất đáng quan ngại”. TS Đặng Hoàng Giang, người thay mặt nhóm nghiên cứu Báo cáo tổng kết của Chính phủ tổng hợp lấy ý kiến nhân dân góp ý luật Đất đai sửa đổi, cho biết đã có hơn 12 triệu lượt góp ý của nhân dân, trong đó hơn 1 triệu ý kiến liên quan vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Từ những thẩm tra đầu tiên, cơ quan thẩm tra dự án luật Đất đai của Quốc hội là Ủy ban Kinh tế đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu việc lấy ý kiến và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là tại địa phương phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tránh người dân không được biết việc điều chỉnh quy hoạch, có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi liên quan đến đất đai và gây nên khiếu kiện. Trong đó, đặc biệt là việc công khai bộ bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến nhân dân cũng như đa dạng hình thức công khai.
Những yêu cầu này phần nào đã được tiếp thu. Dự thảo luật Đất đai mới nhất trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đã quy định cụ thể hơn về những nội dung, thời gian lấy ý kiến, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như việc điều chỉnh quy hoạch. Cơ chế, chính sách, pháp luật đang đầy đủ và hoàn thiện hơn. Song, vấn đề cuối cùng vẫn nằm ở “chính quyền có muốn thực hiện hay không”. (còn tiếp)