Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, mục tiêu của việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và các luật liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để giải quyết các vấn đề thực tiễn và khơi thông các nguồn lực phát triển.
Xuất phát từ thực tiễn để thúc đẩy phát triển
Sáng 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh rằng, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ lần này sẽ tạo ra cơ chế phân cấp mạnh mẽ, giúp Chính phủ chủ động hơn trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn và khơi thông các nguồn lực để phát triển.
Ông khẳng định rằng, những vấn đề đã rõ, đã chín và được thực tiễn chứng minh cần phải giải quyết ngay, không vì các quy trình cứng nhắc mà làm chậm sự phát triển của đất nước. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhắc đến.
"Thực tiễn là thước đo. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay, không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ rằng trong quá trình sửa đổi, cần phải tiếp tục rà soát và bảo đảm các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp lý hiện hành, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ và khớp nối giữa các quy định pháp lý để bảo đảm hiệu quả trong triển khai.
Về sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu là phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương biết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng, mặc dù nhiều địa phương đã chủ động và sáng tạo trong việc triển khai các nghị định, thông tư và luật pháp, nhưng vẫn có một số nơi chưa thực sự vào cuộc một cách mạnh mẽ, thậm chí còn có tình trạng phàn nàn, than khó khi đối diện với khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề cập đến việc tăng cường giám sát các luật, nghị định, thông tư sau khi được ban hành. Theo đó, Quốc hội sẽ tăng cường giám sát để bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp của các văn bản pháp lý với Hiến pháp và các quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân các cấp cũng sẽ phát huy chức năng giám sát của mình, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách phát triển địa phương, qua đó bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tinh gọn nhưng phải mạnh
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt nhấn mạnh, việc cải cách, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước là một cuộc cách mạng lớn, có ý nghĩa sâu rộng. Mục tiêu là xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển đất nước.
Ông cho rằng, việc sắp xếp bộ máy nhà nước phải không chỉ bảo đảm tính hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, mà còn cần phải tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.
“Tinh gọn nhưng phải mạnh”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc trong cơ cấu tổ chức và nhân sự của bộ máy nhà nước, đặc biệt là việc lựa chọn và sử dụng những con người tài năng, có năng lực để phục vụ đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng thông tin rằng, việc sửa đổi và sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước lần này sẽ liên quan đến hơn 300 luật và hơn 5.000 văn bản liên quan các Nghị định, Thông tư phải sửa.
Công cuộc sắp xếp này sẽ đi vào thực tế từ ngày 1/3/2025, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công tác xây dựng bộ máy nhà nước. Các bộ ngành sẽ được tinh gọn, cơ cấu nhân sự tại các cấp ủy sẽ được sắp xếp lại để chuẩn bị cho các kỳ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới.
“Cuộc cách mạng về tinh giản bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được hưởng ứng rất tốt ở trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên về hưu. Chúng ta sắp xếp bộ máy tinh gọn, nhưng tinh gọn phải mạnh. Muốn như vậy phải có con người, lần này sắp xếp con người tinh hoa, người tài để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng.
Nguồn
Bình luận (0)