Trong khi lạm phát năm 2023 của kinh tế Argentina đã tăng vọt lên 211,4%, cao nhất trong 32 năm. Nước này vừa nhận thêm tin xấu khi thâm hụt thương mại trong năm ngoái lên tới 6,926 tỷ USD, do xuất khẩu giảm mạnh.
Không chỉ lạm phát ‘siêu phi mã’, kinh tế Argentina tiếp tục nhận thêm tin xấu. (Nguồn: AP) |
Theo số liệu công bố ngày 18/1 của Viện Thống kê và điều tra quốc gia Argentina (INDEC), lạm phát hàng năm của nền kinh tế Argentina đã tăng vọt lên 211,4% vào năm 2023, mức cao nhất trong 32 năm.
Dữ liệu phản ánh tác động mạnh mẽ của một loạt biện pháp gây sốc, bao gồm phá giá 50% tiền tệ quốc gia, do Tổng thống cánh hữu Javier Milei thực hiện với hy vọng cuối cùng sẽ kiểm soát được tình trạng lạm phát đang bùng nổ tại đất nước Nam Mỹ.
Như vậy, số liệu lạm phát hàng năm đã tăng vọt so với khoảng 95% vào năm 2022. Lạm phát hàng tháng của nền kinh tế ở mức 25,5% trong tháng 12, tăng từ mức 12,8% trong tháng 11, nhưng thấp hơn một chút so với mức 30% mà chính phủ đã dự báo.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba Nam Mỹ đạt 73,714 tỷ USD, giảm 9,6%, trong khi xuất khẩu đạt 66,788 tỷ USD, giảm 24,5%.
Hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 1 thế kỷ qua đã khiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông phẩm quan trọng của Argentina như đậu tương, ngô và lúa mì giảm tới 40%.
Argentina đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu hạt đậu tương, nhưng đứng đầu trong xuất khẩu bã đậu tương, dầu ăn và dầu diesel được điều chế từ hạt. Đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của nước này, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020. Năm 2022, nhóm hàng này mang về cho Argentina hơn 14,8 tỷ USD.
Argentina cũng đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu ngô và là thị trường nhập khẩu ngô lớn thứ 3 của Việt Nam. Ngoài ra, Argentina còn là nước sản xuất lúa mỳ quan trọng trên thế giới nhưng năm ngoái, chính phủ nước này đã hạn chế xuất khẩu lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực.
Bạn hàng thương mại quan trọng của Argentina gồm Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Chile và Peru.