Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM.
Theo tờ trình về dự thảo Nghị quyết được thông báo trước đó, Nghị quyết này quy định 44 nhóm cơ chế đặc thù cho Tp.HCM, trong đó có 27 chính sách mới, tập trung vào 3 mục đích lớn là khơi thông nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; quy trình thủ tục rút gọn…
Qua thảo luận, đa số đại biểu thống nhất cần phải thông qua Nghị quyết này để giúp Tp.HCM phát triển bứt phá, thực sự là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, Tp.HCM là đô thị loại đặc biệt, do đó cơ chế cho TP.HCM không chỉ đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế đi trước để mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt cho cả nước.
“Cơ chế đó phải đủ để Tp.HCM trở thành trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín”, đại biểu Mai nhấn mạnh.
Phân tích một số cơ chế trong dự thảo nghị quyết, ông Dương Khắc Mai tán thành cho TP.HCM thí điểm thực hiện dự án BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Đồng thời, cần có cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư…
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao về việc cần phải có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cho Tp.HCM.
Dù vậy, xem xét từng nội dung trong dự thảo Nghị quyết, bà Thủy cho rằng, những chính sách đặc thù được đề xuất tuy mới nhưng nếu nói đã mạnh mẽ, đột phá hay chưa thì vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cần xem xét phân quyền mạnh hơn cho Tp.HCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ…
Đặc biệt, một số đại biểu như đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Tạ Văn Hạ… đề xuất Quốc hội việc cần nghiên cứu xây dựng luật về các đô thị đặc biệt để có những cơ chế mạnh mẽ, vượt trội hơn nhằm phát triển các đô thị trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) phân tích, Hà Nội đã có Luật Thủ đô thì với Tp.HCM cũng có thể xem xét nghiên cứu Luật về Tp.HCM, bởi trước đó Tp.HCM đã có những chính sách, cơ chế đặc thù được thực hiện thí điểm. Không chỉ Tp.HCM mà một số thành phố trực thuộc trung ương khác cũng được thí điểm các cơ chế đặc thù.
Theo đại biểu Hạ, không thể cứ thí điểm kéo dài mãi, nên có thể xem xét nghiên cứu xây dựng Luật về các thành phố trực thuộc trung ương…
Ở góc độ y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có quy định quy mô dự án PPP thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo nhưng không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Dù vậy, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, thủ tục mua sắm khó khăn, nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở y tế công lập không nhiều.
Mặt khác, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư quy mô dự án PPP lĩnh vực y tế là cần thiết nhằm giúp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho các cơ sở y tế có thêm máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện công tác y tế dự phòng tại Thành phố.
Đại biểu đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho cả lĩnh vực y tế, không áp dụng hạn mức. “Nếu được Quốc hội chấp thuận, kiến nghị giao HĐND Thành phố quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện”, bà Thu kiến nghị.