Nhiều quy định mới giúp khơi thông cơ chế để xã hội hóa nguồn lực đầu tư các trạm dừng nghỉ trên cao tốc, khắc phục các bất cập hiện nay.
Nhiều tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ
Theo quy hoạch đến năm 2030, cả nước sẽ có 5.000km đường cao tốc, tầm nhìn đến 2050, cả nước có 41 tuyến cao tốc, tổng chiều dài khoảng 9.014km. Tính đến hết năm 2024, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng hơn 2.000km.
Tuy vậy, nhiều tuyến cao tốc hiện nay còn thiếu trạm dừng nghỉ khiến người dân và tài xế di chuyển trên cả tuyến đường dài không có nơi nghỉ chân, đi vệ sinh.
Hành trình cao tốc Bắc – Nam từ TP.HCM đến Khánh Hòa dài khoảng 380km, tuy nhiên, mới chỉ có một trạm dừng nghỉ đang được khai thác ở đoạn Long Thành – Dầu Giây và một số trạm dừng nghỉ tạm.
Tương tự, suốt đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh dài 206km cũng mới chỉ có các trạm dừng nghỉ tạm.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN, nguyên nhân là do hạn chế nguồn vốn đầu tư.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư với 4 làn xe hạn chế. Hạng mục trạm dừng nghỉ được tách ra làm dự án riêng để đầu tư theo hình thức xã hội hóa, thay vì sử dụng vốn ngân sách.
Ngoài ra, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai đầu tư theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Nhà đầu tư sẽ chủ động
Ông Huy cho biết, tại Nghị định 165/2024 vừa được Chính phủ ban hành, nhiều quy định mới đã giúp khơi thông cơ chế.
Cụ thể, nghị định quy định, trạm dừng nghỉ là một hạng mục của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ nhưng không bao gồm chi phí đầu tư xây dựng.
Nhà đầu tư không được hoàn vốn chi phí đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ. Phương án tài chính đường cao tốc không bao gồm doanh thu và chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác trạm dừng nghỉ.
Như vậy, với các dự án cao tốc BOT, Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp đầu tư chủ động xây dựng các trạm dừng nghỉ đảm bảo đồng bộ với đường cao tốc khi đưa vào khai thác.
PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông nhìn nhận, việc này sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư từ ngân sách.
Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ phát huy tính sáng tạo từ không gian kiến trúc, vận hành kết hợp quảng bá các sản vật, văn hóa địa phương.
Ông Nguyễn Viết Huy cho biết, trong bối cảnh vốn đầu tư công phải dành cho phát triển đường cao tốc, Nhà nước không bỏ tiền ra làm những công trình có khả năng thu hút đầu tư.
Nghị định mới cho phép sử dụng vốn đầu tư công để giải phóng và san lấp mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để dễ thu hút nhà đầu tư hơn.
Chi phí xây dựng trạm cũng không được tính vào tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc.
Nếu tính vào tổng mức đầu tư của dự án cao tốc sẽ phải thu phí để hoàn vốn, trong khi trạm dừng nghỉ là công trình dịch vụ, kinh doanh và sinh lời nên tự bản thân có thể hoàn vốn.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Để có cơ sở tổ chức, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ, đầu năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01/2023 hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ.
Tháng 6/2023, Cục Đường cao tốc VN đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ tuyến cao tốc được đầu tư bằng ngân sách là Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km 144+560 thuộc dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết trên tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Theo đó, Liên danh FutaBusLines – Thành Hiệp Phát đã trúng thầu. Công ty FutaBusLines đứng đầu liên danh được xem là đơn vị uy tín, nhiều kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong ngành vận tải, logistics, cùng đó là hệ thống trạm dừng nghỉ, trung chuyển ở nhiều tỉnh, thành phố.
Từ đầu năm 2024, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn bộ trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc Bắc – Nam mới đi vào khánh thành; các đoạn cao tốc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành theo đúng quy hoạch để đưa vào khai thác.
Với trạm dừng nghỉ được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, Nghị định 165/2024 hướng dẫn Luật Đường bộ quy định rõ: Trên cơ sở vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ đã được phê duyệt sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ.
Trường hợp qua đấu thầu mà không lựa chọn được nhà đầu tư, trạm dừng nghỉ sẽ được đầu tư bằng tiền ngân sách.
Đến nay, đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư cho 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, đang tổ chức đấu thầu 13 trạm thuộc các dự án thành phần giai đoạn 2.
Cục Đường cao tốc đã tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu khắt khe về năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN, sau khi kết thúc hợp đồng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo hình thức BOT, nhà đầu tư chuyển giao toàn bộ tài sản được đầu tư, bao gồm hạng mục trạm dừng nghỉ cho Nhà nước quản lý, vận hành theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khoi-thong-co-che-dau-tu-tram-dung-nghi-cao-toc-192250116225718611.htm