Khép lại tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023, sau chuỗi 8 tuần liên tiếp bán ròng mạnh mẽ, dòng vốn ngoại đã quay trở lại thị trường với giá trị mua ròng hơn 300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nếu nhìn về cả một năm qua, điểm kém tích cực của thị trường chứng khoán đó có thể là đến từ khối ngoại khi mà khối ngoại đẩy mạnh rút vốn trong giai đoạn cuối năm.
Trong đó, thống kê trên sàn HOSE theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, trong 12 tháng của năm 2023, khối ngoại đã bán ròng hơn 985,8 triệu cổ phiếu, tương ứng rút ròng 24.830,9 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD). Trước đó, trong năm 2022, khối ngoại đã mua ròng 26.674 tỉ đồng trên sàn HOSE.
Trong đó, khối ngoại chỉ có hai tháng mua ròng là tháng 1.2023 mua ròng 3.797 tỉ đồng và tháng 3.2023 mua ròng 2.759 tỉ đồng.
Ngược lại, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng nửa cuối năm 2023, trong đó đỉnh điểm tháng 12 bán ròng 9.969 tỉ đồng trên sàn HOSE, đà bán ròng mạnh vào 5 tháng cuối năm 2023.
Theo quan sát, trong giai đoạn cuối 2022 – đầu 2023, khối ngoại đã đẩy mạnh giải ngân khi thị trường trải qua nhịp điều chỉnh sâu từ vùng 1.200 điểm xuống vùng dưới 900 điểm.
Việc liên tục bán ròng trong 2 quý III và IV trở lại đây được cho là đến từ hoạt động chốt lời ngắn hạn thông thường các vị thế đã mở trước đó. Bên cạnh đó, khối ngoại bán ròng cũng đến từ lo ngại những rủi ro trong nước như áp lực trả nợ trái phiếu, lợi nhuận các doanh nghiệp sụt giảm….
Trong bối cảnh vĩ mô thế giới còn nhiều bất định như lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị gia tăng, dòng tiền khối ngoại có thể tiếp tục rút khỏi các lớp tài sản rủi ro và tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ, vàng.
Việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực lên tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Thực tế, đà rút ròng của khối ngoại không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra tương tự ở các quốc gia trong khu vực.
Trong đó, áp lực rút ròng của khu vực Đông Nam Á diễn ra khi mà lãi suất ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ đã duy trì mặt bằng lãi suất cao và trong một thời gian dài hơn, điều này dẫn tới dòng vốn có xu hướng quay trở lại các nước phát triển và rút khỏi các nước cận biên và mới nổi.
Theo quan điểm của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư của DG Capital, bán ròng là câu chuyện đã quen thuộc của khối ngoại trong cả năm nay.
Ngay trong tháng 11 vừa qua, khi thị trường tăng rất tốt, khối ngoại cũng là bên bán ròng hơn 3.500 tỉ đồng. Như vậy, chúng ta có thể thấy tác động của dòng tiền khối ngoại là có nhưng không cần quá lo ngại về việc có thể khiến thị trường đảo chiều xu hướng.
Khối ngoại cũng là một bên tham gia thị trường và hành động được chi phối bởi nhiều yếu tố. Như giai đoạn cuối năm ngoái, 2022, khi VN-Index giảm mạnh thì khối ngoại mua vào rất nhiều. Trong năm nay, khi thị trường cơ bản trong xu hướng hồi phục thì khối ngoại lại bán ra.
Việc dòng tiền vẫn hấp thụ tốt áp lực bán ròng từ khối ngoại trong thời gian qua cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã trở nên vững vàng hơn và không phụ thuộc lớn vào hành động của khối ngoại như giai đoạn trước đây.
TS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc đầu tư của DG Capital đưa ra dự báo: Về xu hướng, khối ngoại có thể sớm quay trở lại mua ròng vào đầu tháng 1.2024 sau khi họ tiến hành cơ cấu danh mục xong và nguyên tắc không được để tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục trong thời gian dài.