Tối 29/2, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tuần lễ Áo dài Việt Nam nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống, văn hóa, xã hội.
Sự kiện được tổ chức chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910- 8/3/2024), 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đồng thời khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài và quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Lê An) |
Tham dự sự kiện có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng khoảng hơn 700 đại biểu gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; Thường trực Đoàn Chủ tịch, lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức thành viên; nguyên lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội (khối các bộ, ngành); đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND, Sở Văn hóa, Thể thao, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội; Đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế; các nữ doanh nhân và văn nghệ sĩ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết từ năm 2019, Hội LHPN Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề “Áo dài – Di sản văn hoá Việt Nam”.
Từ đó đến nay, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tuần lễ Áo dài vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm vào tuần đầu của tháng Ba.
Nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam đã được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước như: các cuộc thi ảnh đẹp áo dài, thi tìm hiểu giá trị áo dài, các cuộc đồng diễn, diễu hành với quy mô lớn xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam.
Ban tổ chức tặng hoa cho các nhà thiết kế. (Ảnh: Lê An) |
Đặc biệt là các hoạt động có ý nghĩa như: tặng áo dài cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội phụ nữ nhiều địa phương; khóa học “Cắt may và thiết kế áo dài” trực tuyến miễn phí cho gần 8.500 học viên trên cả nước của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp với TW Hội tổ chức; cuộc vận động thiết kế áo dài “Tự hào áo dài Việt”…
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cũng có nhiều hoạt động nhằm khẳng định áo dài là di sản văn hoá của Việt Nam, điển hình như tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án “Huế-Kinh đô Áo dài” tiến tới hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bà Hà Thị Nga nhấn mạnh: “Bằng các hoạt động thiết thực này, Hội LHPN Việt Nam mong muốn góp phần truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc, về đất nước, con người và áo dài Việt Nam đến đông đảo công chúng. Đồng thời, góp phần để các giá trị của áo dài sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới.
Với ý nghĩa sâu sắc đó, chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa rộng rãi hình ảnh áo dài, để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú của dân tộc Việt Nam”.
Sân khấu rực rỡ của chương trình nghệ thuật “Hương sắc áo dài Việt”. (Ảnh: Lê An) |
Trong khuôn khổ sự kiện, chương trình nghệ thuật “Hương sắc áo dài Việt” tạo điểm nhấn đặc biệt với sự kết hợp giữa ca múa nhạc và công nghệ âm thanh ánh sáng màn hình 3D hiệu ứng trực quan; giữa thời trang và nghệ thuật văn hóa, qua đó sẽ góp phần khẳng định áo dài trở thành một trang phục thời trang gắn bó với đời sống của mọi người dân ở mọi nơi trên thế giới.
Tại đây, các bộ sưu tập áo dài được trình diễn gắn với ba chủ đề (Tự hào áo dài Việt, Tâm hồn áo dài Việt và Tinh hoa áo dài Việt), của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và hơn 50 nhà thiết kế xuất sắc trên cả nước đại diện cho gần 8.500 học viên từ chương trình “Cắt may và thiết kế áo dài” do Hội tố chức trong năm 2023.
Những bộ sưu tập áo dài này được trình diễn tại chương trình lấy cảm hứng sáng tạo từ các di sản nổi tiếng, những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của đất nước Việt Nam, từ quốc kỳ các quốc gia và những dấu ấn ngoại giao đặc biệt giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Vẻ đẹp thướt tha của những tà áo dài Việt trên sân khấu. (Ảnh: Lê An) |
Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của các phu nhân Đại sứ của các quốc gia Mỹ, Armenia, Morocco, Czech và Indonesia trên sân khấu, trình diễn cùng các Hoa hậu, siêu mẫu, người đẹp và các nghệ sĩ, ca sĩ, vũ công chuyên nghiệp đến từ mọi miền trên đất nước.
Hội LHPN Việt Nam phát động Tuần lễ Áo dài Việt nam năm 2024 từ ngày 1-8/3 trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Hội LHPN các tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc, hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nơi công tác hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động sáng tạo, thiết thực, cụ thể; mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp từ ngày 1-8/3, tập trung đồng loạt vào ngày 8/3. Đồng thời, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng yêu cầu Hội LHPN các tỉnh/thành, đơn vị trực thuộc, các ngành sử dụng các kênh truyền thông của ngành, đơn vị tăng cường tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau thời gian tổ chức các hoạt động nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài – di sản văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội. Trên trang Fanpage của Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện album ảnh đồng diễn “Áo dài nơi mọi miền Tổ quốc” đăng tải những hình ảnh áo dài rực rỡ về màu sắc, đặc sắc, phong phú trong cách thể hiện của Hội LHPN các tỉnh, thành và nhận được nhiều tương tác tích cực, để lại ấn tượng đối với công chúng. |