(NB&CL) Những thay đổi trong diện mạo của ảnh báo chí Việt Nam là kết quả cống hiến không ngừng nghỉ của thế hệ những người cầm máy ảnh, những phóng viên báo chí có phẩm chất, năng lực, sự dấn thân và sáng tạo. Đồng hành trong hành trình “một bức ảnh hơn ngàn con chữ”, Giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức nay đã bước sang năm thứ 6 tiếp tục là điểm hẹn uy tín của giới báo chí, là nơi tôn vinh bản lĩnh, sự dấn thân và khả năng nắm bắt khoảnh khắc của những người cầm máy.
Thu vào ống kính hình ảnh về một đất nước Việt Nam đang vươn mình
“Khoảnh khắc Báo chí” bước sang năm thứ 6 trong hành trình tạo dựng thương hiệu một giải ảnh uy tín, một cuộc thi chất lượng, có tiếng vang trong giới nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh báo chí nói riêng.
Mùa giải năm nay đón nhận hàng nghìn bức ảnh báo chí chất lượng, có sức lan tỏa và lay động người xem gửi đến dự thi, cho thấy đời sống nhiếp ảnh báo chí vô cùng sôi động.
Một trong những mục tiêu mà Ban tổ chức giải ảnh Khoảnh khắc Báo chí hướng đến là tạo ra một sân chơi lớn, rộng mở và sáng tạo dành cho giới nhiếp ảnh báo chí, để các tác giả tham dự có cơ hội trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ và cải thiện, đổi mới tư duy về ảnh báo chí trong thời kỳ hội nhập.
Mục tiêu lớn hơn nữa, “Khoảnh khắc Báo chí” hướng đến trở thành nơi tập hợp, tôn vinh những tác phẩm, những người cầm máy – họ chính là chứng nhân của hiện thực, khắc hoạ chân thực hình hài của con người, của đất nước, phản ảnh sâu sắc hơi thở của cuộc sống một cách sinh động, sáng tạo mà không bị rào cản ngôn ngữ chi phối.
Ở Giải Khoảnh khắc Báo chí lần thứ 6, Ban tổ chức nhận các tác phẩm được đăng báo trong thời gian từ 01/01/2023 đến 30/9/2024. Trong suốt thời gian hơn một năm đó, rất nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra, để lại dấu ấn và tác động xã hội rất mạnh mẽ. Đó chính là chất liệu để các nhà báo có thể thu vào ống kính của mình hình ảnh về một đất nước Việt Nam đang vươn mình, nỗ lực để có thể khẳng định được vai trò trên trường quốc tế.
“Chạy đua” trên công trường đường dây 500kV mạch 3 là tác phẩm được Hội đồng Ban Giám khảo đánh giá rất cao trong mùa giải năm nay. Tác giả Huy Hùng – Thông tấn xã Việt Nam cho biết, năm 2024 công trình đường dây 500kV Quảng Trạch – Phố Nối – một công trình trọng điểm của quốc gia, được Chính phủ chỉ đạo phải thực hiện trong thời gian ngắn, diễn ra trên địa bàn nhiều địa phương từ miền Trung ra miền Bắc.
“Đánh giá được tầm quan trọng của dự án và tinh thần lao động của các đơn vị; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tôi đã liên tục bám sát tiến độ Dự án, đưa thông tin đầy đủ, sinh động, phong phú công tác thi công. Từ đầu năm 2024, tôi đã thực hiện hàng chục chuyến công tác đi tới tất cả các địa phương nơi có dự án đi qua. Cùng “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm” thực hiện phóng sự ảnh để truyền tải tới bạn đọc”, phóng viên Huy Hùng chia sẻ.
Theo tác giả Huy Hùng, thách thức lớn nhất trong tác nghiệp là công trình diễn ra tại nhiều địa phương (9 tỉnh), nên anh phải tìm hiểu kỹ, hiểu biết về ngành từ đó lựa chọn thời gian, không gian phù hợp để đi tác nghiệp. Khó khăn nữa là về địa hình, nhiều nơi anh phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ trong thời tiết khắc nghiệt của miền Trung những ngày tháng 7 nắng nóng.
Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng tác giả Huy Hùng luôn cảm thấy vinh dự tự hào khi được đồng hành và truyền tải những bức ảnh chân thực, sinh động về một dự án đặc biệt, phát huy tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị với khối lượng khổng lồ, được thi công trong thời gian “thần tốc”, tạo nên “dấu ấn mạch 3” và kỳ tích của ngành điện.
“Những người thợ điện tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước họ đến hỗ trợ để thi công mạch 3 là những nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi. Hơn 15.000 công nhân và kỹ sư từ mọi miền Tổ quốc làm việc từ tờ mờ sáng đến đêm muộn. Dưới cái nắng nóng gay gắt của mùa hè ở miền Trung, những người thợ vẫn miệt mài làm việc từ sớm đến đêm khuya. Chỉ sau hơn 6 tháng, toàn bộ dự án đã “về đích” thắng lợi… Đó chính là sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị – của những người lao động, của người dân dự án đi qua, chính quyền, đoàn thanh niên, quân đội, công an…”, phóng viên ảnh Huy Hùng xúc động chia sẻ.
Dấn thân tìm khoảnh khắc giá trị
Đúng như tên gọi của giải thưởng, những bức ảnh giá trị là những bức ảnh chớp được khoảnh khắc chân thực nhất, cảm xúc nhất, ý nghĩa nhất của sự kiện.
Để ghi lại được khoảnh khắc giá trị ấy, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có tài năng nhiếp ảnh và sự nhạy cảm của người cầm máy với thời cuộc. Những điều này đã được ghi nhận trong một số tác phẩm được vinh danh ở 5 mùa giải trước. Những tác phẩm được trao giải đã để lại ấn tượng với người xem bằng sự chân thật và giá trị nghệ thuật. Yếu tố đặc trưng của giải đó là tính báo chí và hiệu ứng xã hội mà những tác phẩm ảnh xuất sắc mang lại.
Trong năm 2024, cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc đã để lại rất nhiều hậu quả đau thương. Một trong những sự kiện chấn động là vụ sập cầu ở Phong Châu – Phú Thọ. Phóng viên Thành Đạt – Báo Nhân Dân khi nhận được thông tin đã tức tốc có mặt tại hiện trường.
“Tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng cả 1 đoạn cầu lớn đã sập trôi dưới dòng nước lũ, tôi thực sự hoảng hốt. Chỉ sau 5 giây bàng hoàng với bản năng của người phóng viên ảnh, tôi bắt tay vào công việc ghi lại hình ảnh hiện trường cùng những khoảnh khắc tìm kiếm của chiến sĩ bộ đội hay những ánh mắt ngơ ngác thất thần tìm người thân của người nhà nạn nhân”, anh Thành Đạt chia sẻ.
Tác giả Thành Đạt cho biết, thời điểm đó rất nhiều báo cũng khai thác theo góc độ đó, anh phải cố gắng tìm 1 lát cắt khác, 1 câu chuyện khác, 1 câu chuyện tình người nhân văn giữa lúc thảm họa. “May mắn tôi đã tìm được anh Ngô Văn Khanh (sinh năm 1998, trú tại khu 5, Hương Nộn, Tam Nông) – người đã dũng cảm lái đò ra giữa dòng nước lũ cứu và tác phẩm “Người hùng” cứu người giữa lũ dữ trong vụ sập cầu Phong Châu: Tôi không kịp nghĩ gì nhiều! ra đời trong hoàn cảnh như thế”, Thành Đạt cho hay.
Phóng viên ảnh Thành Đạt chia sẻ, tác nghiệp trong cơn bão Yagi anh gặp rất nhiều đồng nghiệp, và họ không ai bảo ai đều lao vào hiện trường nguy hiểm nhất để có những hình ảnh chân thực nhất, ghi nhận những câu chuyện xót xa, xúc động trong cơn bão để truyền tải tới độc giả. “Không một ai kêu sợ, không một ai kêu mệt – những người phóng viên can trường, và đầy dấn thân”, tác giả Thành Đạt nói.
Giá trị của ảnh báo chí nằm ở khả năng dung chứa hàng ngàn, thậm chí hàng vạn câu chữ trong một khoảnh khắc. Giá trị ấy có được khai thác hay không, nhờ vào bản lĩnh, sự dấn thân và khả năng nắm bắt khoảnh khắc của người cầm máy.
Và “Khoảnh khắc Báo chí” năm nay đã rất thành công khi nhận được các tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, làm chủ kỹ thuật, thể hiện sự sáng tạo, không ngại khó khăn gian khổ để thu vào ống kính những khoảnh khắc nổi bật trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học – kỹ thuật, thể thao… cùng những sự kiện thời sự của đất nước trên khắp mọi nẻo đường tác nghiệp…
Hoà Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/khoanh-khac-bao-chi-2024-tam-guong-soi-cua-hien-thuc-mot-cach-sang-tao-post323227.html