Khoai lang là thực phẩm quen thuộc với đa số người Việt Nam. Ở nước ta có nhiều loại khoai lang được trồng ở khắp nơi như khoai lang trắng, khoai lang tím, khoai ruột vàng.
Theo chia sẻ của TS Nguyễn Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội trên Sức khoẻ & Đời sống, khoai lang được cho là loại thực phẩm bình dân nhưng nhiều giá trị tuyệt vời. Khoai lang rất giàu các chất dinh dưỡng cần thiết như mangan, canxi, vitamin A, vitamin B, choline. Củ khoai lang chứa nhiều chất chống oxy hóa nên rất tốt cho sức khỏe.
Trong 100g củ khoai tươi chứa 109 calo, 24,6% tinh bột, 4,17% glucoza. Khoai còn tươi chứa 1,3% protein, 0,1% chất béo, các khoáng chất như mangan, canxi, đồng, các vitamin A, B, C.
Ăn khoai lang bao nhiêu là vừa?
Một số nhà dinh dưỡng cho rằng, nếu ăn nhiều hơn một củ khoai mỗi ngày, bạn nên cân nhắc thay đổi để nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng khác.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, hàm lượng beta-carotene cao trong khoai lang có thể khiến da ngả sang màu cam nếu ăn quá nhiều.
Từ khoai lang đỏ, trắng hay tím, bạn đều nên giữ nguyên vỏ khi ăn. Nó không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian gọt vỏ, mà còn mang lại lợi ích dinh dưỡng tuyệt vời khi để nguyên vỏ.
Như vậy, hãy ăn khoai lang vừa đủ. Chỉ nên ăn 2-3 củ khoai mỗi tuần và nên bổ sung các loại thực phẩm khác để cân bằng dinh dưỡng.
Ai không nên ăn khoai lang?
Khoai lang là thực phẩm quen thuộc được nhiều người ưa thích vì có giá trị dinh dưỡng cao, giá rẻ và dễ ăn, dễ chế biến. Tuy nhiên không phải ai ăn khoai lang cũng tốt, thậm chí loại củ này có thể gây nguy hiểm với một số người.
Người đang đói
Trong bài viết trên website Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, khoai lang không hề tốt nếu bạn ăn khi đói. Điều này do khoai lang có thể tăng sản sinh axit trong dạ dày. Nếu bạn bị các vấn đề về dạ dày thì không nên ăn khoai khi đói.
Trong khoai lang chứa rất nhiều đường, khi bạn ăn nhiều, đặc biệt là khi đói bụng sẽ gây tăng tiết dịch vị, việc này dẫn đến nóng ruột, sinh hơi chướng bụng, ợ chua. Để giảm bớt tình trạng này, bạn nên luộc khoai và nước khoai thật kỹ hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men có trong khoai.
Uống nước gừng sẽ giúp bạn giảm bớt triệu chứng chướng bụng. Ngoài ra, khi bạn đói, đường huyết của bạn thấp, nếu ăn khoai lang sẽ lại làm hạ huyết áp gây mệt mỏi.
Người bị thận
TS.BS Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh Hà Nội chia sẻ trên báo Giáo dục và Thời đại rằng, những người mắc bệnh thận tuyệt đối không nên ăn khoai lang vì trong khoai chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin A. Khi thận yếu chức năng loại bỏ lượng kali dư thừa bị hạn chế, sẽ gây ra những tác hại nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, yếu tim.
Người có hệ tiêu hóa không tốt
Những người hệ tiêu hóa không tốt, thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng không nên ăn nhiều khoai lang vì lúc ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, càng sinh hơi trướng bụng.
Người có bệnh về dạ dày
Nếu ăn khoai lang khi đói bụng rất dễ làm kích thích tiết axit dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của dạ dày. Đặc biệt, người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, hoặc người có chức năng tiêu hóa yếu, dễ dẫn đến đau bụng, viêm loét dạ dày, bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính nên tránh việc ăn khoai lang để không làm cho tình trạng đau trở nên tồi tệ hơn.