Khó về đích đúng lộ trình

Việt NamViệt Nam11/02/2025


(QBĐT) - Với tuyến đường sắt chạy qua địa bàn dài 174,5km, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, năm 2024, trong bối cảnh tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trong nước tăng, Quảng Bình chỉ xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người, so với năm 2023 giảm 3 vụ, 3 người chết (75%). Đây là kết quả đáng mừng, tuy nhiên công tác bảo đảm TTATGT đường sắt vẫn cần tiếp tục chú trọng, trong đó kiểm soát hiệu quả các lối đi tự mở (LĐTM) là câu chuyện dài.

 

Công ty CP Đường sắt Quảng Bình được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt trên phạm vi tỉnh. Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Bình Trần Ngọc Sơn cho biết, trên tuyến hiện có 76 đường ngang và 120 LĐTM. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, đơn vị đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan làm tốt công tác bảo đảm an toàn chạy tàu, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, tạo sự bình yên, thông suốt trên hành trình chạy tàu qua địa phận tỉnh.

 

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, ông Trần Ngọc Sơn cũng chia sẻ về những khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn chạy tàu. Tuyến đường sắt chạy qua tỉnh có địa hình phức tạp, đèo dốc, nhiều hầm, đường cong, trong khi phạm vi quản lý của đơn vị trải dài. Đặc biệt, số lượng LĐTM lớn, tại một số địa phương, sau khi được lực lượng chức năng rào chắn, người dân lại tháo dỡ để lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chạy tàu.

Lối đi tự mở tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới đã được rào chắn nhưng một số người dân vẫn cố tình đi qua.
Lối đi tự mở tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới đã được rào chắn nhưng một số người dân vẫn cố tình đi qua.

Xác định trách nhiệm, năm 2024, đơn vị đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với cán bộ, công nhân viên, lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa bàn trọng điểm, các trường học… Công tác kiểm tra định kỳ 76 tuyến đường ngang, rà soát LĐTM, các điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt được thực hiện thường xuyên và kịp thời có giải pháp đồng bộ. Trong năm đã có 19 LĐTM được đóng, 16 lối đi bị người dân tháo dỡ được kiểm tra và thu hẹp, đẩy lùi nguy cơ mất ATGT trên tuyến.

 

Tuyên Hóa là một trong những địa bàn trọng điểm, đặc biệt có nhiều đường ngang, LĐTM. Thu hẹp đường ngang và LĐTM qua đường sắt là một trong những giải pháp chính để bảo đảm TTATGT đường sắt của địa phương. Trung tá Phan Quốc Phương Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông trật tự, Công an huyện Tuyên Hóa cho biết, năm 2024, đơn vị đã tích cực phối hợp với Công ty CP Đường sắt Quảng Bình và chính quyền địa phương các xã Kim Hóa, Sơn Hóa, Thạch Hóa cắm cọc thu hẹp 3 điểm giao cắt giữa tuyến đường sắt Bắc-Nam với đường dân sinh thuộc 3 địa phương nêu trên. Đây là các điểm giao cắt dù đã được lắp đặt một số hệ thống biển báo nhưng do bị che khuất tầm nhìn, ý thức người dân chưa cao nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt, dễ dẫn tới TNGT. Sự quan tâm vào cuộc của lực lượng chức năng, trong đó có Công an huyện Tuyên Hóa đã góp phần hạn chế lưu lượng phương tiện qua lại tại các đường ngang, kiểm soát hiệu quả LĐTM qua đường sắt trên địa bàn. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp với các đơn vị liên quan thu hẹp các đường ngang; giảm, xóa bỏ LĐTM, tăng thêm biện pháp cảnh báo tại các đường ngang, LĐTM, là những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.

 

Theo Quyết định số 358/QĐ-TTg, ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm LĐTM qua đường sắt, mục tiêu đề ra là đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ LĐTM. Tháng 9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1772/KH-UBND tỉnh về thực hiện lộ trình này. Hiện, việc triển khai đề án vẫn còn gặp nhiều thách thức, khó có thể về đích vào năm 2025.

Chị Nguyễn Thu Trang ở xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) cho hay, những năm gần đây người dân trên địa bàn đã từng bước nâng cao ý thức thực hiện các quy định bảo đảm TTATGT đường sắt. Cá nhân chị luôn tuân thủ tốt các quy định để bảo đảm an toàn cho chính mình, góp phần vào công tác bảo đảm an toàn chạy tàu.

 

Năm 2024, trong số 2 LĐTM tại TP. Đồng Hới được đóng, có 1 LĐTM thuộc địa bàn phường Bắc Lý là nơi có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao. Ông Văn Ngọc Sơn, cán bộ đô thị-giao thông phường Bắc Lý cho biết, địa phương đã tích cực phối hợp với Công ty CP Đường sắt trong việc đóng lối đi này để bảo đảm TTATGT đường sắt nói riêng, TTATGT trên địa bàn nói chung. Chính quyền cũng tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra để ngăn ngừa tình trạng người dân tự ý phá dỡ lối đi, làm mất ATGT trong khu vực.

 

Những nỗ lực nói trên đã góp phần để công tác bảo đảm TTATGT đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là con số giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và bị thương. Song tình trạng LĐTM sau khi được rào chắn vẫn tiếp tục bị người dân dỡ bỏ vẫn còn xảy ra, nguy cơ mất ATGT và hậu quả của hành vi này gây khó khăn trong công tác kiểm soát các LĐTM. Tại một số địa phương, như xã: Kim Hóa, Lê Hóa, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), xã Quảng Tiên (Quảng Trạch), phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới)... tình trạng này vẫn còn tiếp diễn dù đã được lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và khắc phục. 

Ngọc Mai



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202502/kho-ve-dich-dung-lo-trinh-2224286/

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available