(Báo Quảng Ngãi)- Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là năm đầu tiên cả nước hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, “Tết trồng cây” đã thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đây không chỉ là một hoạt động mang ý nghĩa truyền thống sâu sắc, mà còn là hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ra quân trồng cây đầu năm
Từ ngày 3/2 (nhằm ngày mùng 6 tháng Giêng), các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tại các xã Bình Trị (Bình Sơn), Hành Thuận (Nghĩa Hành), cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương ra quân trồng cây đầu xuân, gắn với phong trào xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Ông Phan Đạo, ở thôn Phước Hòa, xã Bình Trị chia sẻ, nhiều năm qua, mỗi người dân trong thôn luôn tích cực trồng và chăm hoa trước cổng nhà. Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân trong thôn lại nô nức trồng và chăm sóc cây xanh, trồng hoa ở khắp các đường làng ngõ xóm, nên đường sá ngày càng sạch, đẹp hơn.
Còn tại xã Đức Minh (Mộ Đức), người dân hồ hởi tham gia trồng rừng phòng hộ vào sáng 7/2. Hàng nghìn cây phi lao và bàng vuông đã được trồng dọc cánh rừng ven biển. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, với phương châm “trồng cây nào tốt cây ấy”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn huyện tổ chức trồng các loại cây phù hợp từng địa bàn. Năm 2024, huyện đã trồng hơn 100 nghìn cây phân tán các loại tại các cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, cụm công nghiệp, đường giao thông; trồng trên 300ha rừng tập trung. Qua đó, góp phần ổn định gần 2.400ha rừng phòng hộ; 3.000ha rừng sản xuất và duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 34%. Ngoài ra, huyện chú trọng trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, hiện có 900ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Mộ Đức tham gia trồng cây tại xã Đức Minh. |
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, “Tết trồng cây” năm nay tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ, gìn giữ và phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp, vì lợi ích lâu dài của thế hệ hôm nay và mai sau. Do đó, phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ cây xanh ngày càng lan tỏa, được chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia. Qua đó, góp phần bảo vệ nguồn nước, chống biến đổi khí hậu... giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Trách nhiệm với cuộc sống
Trong bối cảnh thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, phong trào “Tết trồng cây” gắn với trồng cây gây rừng càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, cấp bách. Việc trồng cây đầu xuân ngày càng lan tỏa và phát triển theo hướng bao trùm, bền vững và trách nhiệm. Theo ông Hồ Trọng Phương, trồng cây gây rừng, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên là thể hiện trách nhiệm đối với chính cuộc sống của mỗi người. Bởi lẽ, rừng không chỉ là nơi bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, mà còn là “tấm khiên” bảo vệ sinh quyển, ứng phó với biến đổi khí hậu và là “lá phổi xanh” của con người qua việc hấp thụ khí các - bon. Ngoài ra, việc trồng cây gây rừng còn tạo nguồn, bổ sung nguồn nguyên liệu chế biến gỗ, lâm sản phục vụ sản xuất, cũng như xuất khẩu. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của tỉnh ước đạt trên 2.200 tỷ đồng (tăng 3,3%) so với năm 2023. Với ý nghĩa ấy, phong trào “Tết trồng cây” gắn với chương trình “1 tỷ cây xanh” ngày càng được đẩy mạnh.
Năm 2024, toàn tỉnh đã trồng hàng chục nghìn cây xanh phân tán tại các khu dân cư, khu đô thị, đường giao thông và trên 26 nghìn héc ta rừng trồng tập trung. Qua đó, góp phần duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh ở mức 52%; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, với sản lượng gỗ khai thác đạt trên 2,6 triệu mét khối.
Ông Hồ Trọng Phương cho rằng, để việc tổ chức “Tết trồng cây” tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả cao, thời gian tới, các địa phương cần quy hoạch tổng thể khu vực, địa điểm gắn với đẩy mạnh trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác. Đồng thời, việc trồng cây phải gắn với các kế hoạch trồng, bảo vệ rừng, cũng như coi trọng công tác chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo tỷ lệ cây trồng sống đạt cao nhất. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng bám sát đặc điểm, tình hình cụ thể.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nguồn: https://baoquangngai.vn/kinh-te/202502/lan-toa-phong-trao-tet-trong-cay-67b19c6/
Bình luận (0)