Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi trong nhiều thập kỷ, trước cả khi Sáng kiến Vành đai Con đường ảnh hưởng sâu rộng trên khắp thế giới.
Đó là nhận định của ông Wenfang Tang* trong bài viết với tiêu đề Why China is succeeding in Africa where the US is failing đăng tải trên tờ SCMP ngày 15/9.
Bài viết “Why China is succeeding in Africa where the US is failing” đăng tải trên SCMP ngày 15/9. (Ảnh chụp màn hình) |
Đáp ứng nhu cầu phát triển cấp thiết
Theo ông Tang, Bắc Kinh vừa tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 53 quốc gia châu Phi. Đây quả thực là sự kiện ngoại giao hoành tráng, khiến các chính phủ phương Tây “cảm thấy khó chịu”.
Nhiều người xem sự kiện này như chiến thắng của Trung Quốc trong chiến lược gia tăng sức ảnh hưởng trên vũ đài chính trị toàn cầu.
Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi ngày 5/9. (Nguồn: FOCAC) |
Ngày nay, châu Phi trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cũng như cầu nối địa chính trị quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các phiếu bầu của châu Phi, chiếm số lượng lớn tại Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức quốc tế khác, sẵn sàng đứng về phía lập trường của Bắc Kinh, nhằm tăng cường vị thế và lợi ích của ông lớn châu Á trên trường quốc tế.
Ông Tang cho rằng, việc Bắc Kinh quan tâm châu Phi không phải điều mới. Từ những năm 1960, Thủ tướng Chu Ân Lai đã dành hơn một tháng tại châu Phi, công khai ủng hộ các phong trào giành độc lập dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và gọi người dân châu lục này là “đồng chí” và “anh em”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế khi phương Tây thống trị trật tự thế giới cũng như mối quan hệ Trung-Xô trở nên xấu đi.
Trung Quốc đã hỗ trợ châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng ngay cả khi GDP bình quân đầu người thậm chí còn thấp hơn so với một số quốc gia tại đây. Nhiều người dân châu Phi vẫn luôn ghi nhớ và biết ơn các dự án này khi nhiều công trình còn được sử dụng đến ngày nay.
Nghĩa trang Gongo la Mboto ở Dar es Salaam (Tanzania) tri ân các kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân Trung Quốc thiệt mạng khi xây dựng tuyến đường sắt Tanzania-Zambia (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Vào những năm 1980-1990, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, người dẫn dắt nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc, nước này đã trải qua một thời kỳ “thân thiết” với phương Tây. Tuy nhiên, khi nhận ra Bắc Kinh dường như chỉ quan tâm đến công nghệ và kinh tế thị trường tiên tiến thay vì hệ thống chính trị và tư tưởng, phương Tây lại bằng mọi giá ngăn cản bước tiến của “ông lớn châu Á”.
Chính vì vậy, vào năm 2000, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang châu Phi, thiết lập các quan hệ đối tác kinh doanh dựa trên lợi ích kinh tế chung mà không can thiệp vào chủ quyền của nhau.
Ông Tang nhấn mạnh, Trung Quốc thành công tại châu Phi sở dĩ bởi Bắc Kinh có khả năng đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của lục địa này về lĩnh vực hạ tầng, phát triển bền vững, kinh tế số và quản trị địa phương.
Mặc dù tạm thời đứng sau Mỹ trong phát triển thiết bị quân sự và công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhưng Trung Quốc lại dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, xe điện và kinh tế số. Kinh nghiệm quản trị của Trung Quốc có thể hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong lĩnh vực dịch vụ công và ngăn chặn tham nhũng.
Gắn kết văn hoá và chính trị
Bài viết khẳng định, sự thất bại của chính sách đối ngoại Mỹ cũng “mở đường” cho sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi.
Trong chuyến thăm châu Phi, cựu Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama dành nhiều thời gian, công sức nhằm thuyết phục người dân chấp nhận quyền của người đồng tính, nhưng hành động lại không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của những quốc gia này.
Trước đây, Mỹ đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh về châu Phi vào năm 2014 và 2022, nhưng mục đích chính chỉ là đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục này, đồng thời truyền bá các giá trị và niềm tin chính trị Mỹ.
Ngược lại, cách Trung Quốc xem châu Phi như đồng chí và đối tác kinh doanh mang lại kết quả ấn tượng.
Năm 2022, khối lượng thương mại Trung Quốc-châu Phi đạt 282 tỷ USD, gấp gần 5 lần so với Mỹ. Các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ cho châu Phi hiện diện khắp nơi. Quốc gia tỷ dân cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại châu Phi, khi dân số của châu lục này gần ngang bằng với Trung Quốc.
Một học sinh Uganda học tiếng Trung ở trường. (Nguồn: Shutterstock) |
Theo ông Tang, quyền lực mềm của Trung Quốc cũng được thể hiện rõ nét tại đây.
Trái ngược với tình trạng bị đóng cửa tại thị trường Mỹ, các Viện Khổng Tử lại phát triển mạnh mẽ ở châu Phi. Viện Khổng Tử tại Đại học Dodoma (Tanzania) cung cấp chương trình cử nhân nghệ thuật Trung Quốc cho hơn 200 sinh viên. Sự thành công của các Viện Khổng Tử tại châu Phi cũng phản ánh “dấu chân” của văn hóa Trung Quốc trên lục địa này.
Người dân châu Phi cũng coi trọng kinh nghiệm quản trị của Trung Quốc. Tiêu biểu như trường lãnh đạo Mwalimu Julius Nyerere (Tanzania), được mô phỏng theo trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đào tạo các nhà lãnh đạo trẻ triển vọng từ các đảng cầm quyền của Tanzania, Nam Phi, Angola, Namibia, Zimbabwe và Mozambique.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Phi là điều không cần phải bàn cãi. (Nguồn: Shutterstock) |
Tuy nhiên, thành công của Trung Quốc ở châu Phi đang vướng phải một số trở ngại. Ngoài vấn đề “bẫy nợ”, thách thức còn đến từ chính trong nội bộ nhiều quốc gia. Một số tỏ ra thờ ơ, thậm chí xem thường Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi và vai trò của lục địa đen với quốc gia tỷ dân này.
Ông Tang chỉ rõ, một bộ phận người dân Trung Quốc lo sợ về rủi ro kinh tế và chính trị trong các khoản đầu tư của nước này tại châu Phi. Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc tại châu Phi lại đến từ quan điểm lịch sử, hướng về về lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau.
Trung Quốc xây dựng mối quan hệ sâu sắc với châu Phi, không chỉ dựa trên lợi ích kinh tế mà còn trên nền tảng lịch sử-văn hóa. Thông qua các dự án hạ tầng, hỗ trợ phát triển và sự tôn trọng lẫn nhau, Trung Quốc đạt được những thành tựu tích cực, trở thành đối tác quan trọng của châu Phi.
Dù phải đối mặt nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài nhưng nhờ chiến lược dài hạn dựa trên hợp tác và tôn trọng, Trung Quốc không những khẳng định vị thế của một cường quốc kinh tế mà còn là đối tác đáng tin cậy trong công cuộc phát triển của châu Phi.
* Ông Wenfang Tang hiện là Giáo sư, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Đại học Hongkong cơ sở Thâm Quyến. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm Văn hóa chính trị, Chính trị quần chúng và Khảo sát dư luận.
Nguồn: https://baoquocte.vn/khien-my-ngay-cang-lu-mo-trung-quoc-da-de-lai-dau-an-tai-chau-phi-nhu-the-nao-286531.html