Dân gian xứ Huế kể rằng dưới thời vua Thiệu Trị, trong một chuyến tuần du ngược dòng Hương giang xem việc xây lăng cho mình, một trong các bà phi đã lỡ tay đánh rơi chiếc ống nhổ bằng vàng xuống chỗ vực sâu trước ngôi đền Ngọc Trản. Lo sợ bị trách phạt, các bà phi đã khẩn cầu nhà vua cầu khấn vị nữ thần Thiên Y A Na. Với thái độ khá mỉa mai, nhà vua đã đứng trên mũi thuyền cầu khấn, và kỳ lạ thay, chiếc ống nhổ đã từ từ nổi lên mặt nước như một minh chứ cho sự hiển linh. Chứng kiến điều này, nhà vua đã hứa sẽ cho sửa sang lại ngôi đền, nhưng ngài đã băng hà trước khi lời hứa ấy được thực hiện…
Tọa lạc trên đỉnh ngọn Ngọc Trản – ngọn núi có dáng khum tròn như cái bát úp bên cạnh dòng Hương giang, điện Hòn Chén/Huệ Nam vốn là ngôi miếu nhỏ thờ Ngọc Trản sơn thần, vị nữ thần cai quản và che chở cho cư dân cả vùng Ngọc Trản và lân cận.
Dưới thời các vua Nguyễn đầu triều, tương tự như bao miếu thờ nữ thần khác toạ lạc trên những khúc quanh hiểm trở của dòng Hương, Ngọc Trản sơn từ có quy mô khiêm tốn và chưa được đưa vào điển nghi của triều đình quân chủ.
Vẻ phong quang của điện Huệ Nam hiện nay có được dưới thời vua Đồng Khánh, vị vua đã dành trọn cuộc đời mình theo Mẫu và tự nhận là vị thánh thứ 7 trong hàng thất Thánh của tín ngưỡng thờ Mẫu, với dòng ngự bút: “… núi tiên nữ linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ là hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người, độ đời; giáng cho phúc lộc hàng muôn, giúp dân giữ nước; vậy cho đổi đền ấy là điện Huệ Nam, để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần”.
Sau đời vua Đồng Khánh, điện Hòn Chén/Huệ Nam vẫn giữ nguyên vẹn dáng hình cho đến hiện nay với lối khiến trúc trùng thiềm – điệp ốc điển hình của Huế, mái lợp ngói lưu ly, đường bờ nóc và bờ quyết khảm sành sứ, và những mô típ chim phụng đắp nổi, vút cao như một nhận diện nơi đây là ngôi miếu thờ vị nữ thần.
“Tháng bảy giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”, cứ đến hẹn lại về, ngày vía Thánh Mẫu vào tháng 7 âm lịch hàng năm, cũng là ngày diễn ra lễ hội rước Mẫu điện Huệ Nam, hàng vạn tín đồ trên cả nước tề tựu về dưới ngọn Hương Uyển, trên những chiếc bằng kết lại từ hai chiếc đò kiểu Huế. Họ giăng đèn, kết hoa, thiết trí án thờ, chuẩn bị phẩm vật, trang phục hầu bóng… để sống trọn vẹn trong 3 ngày với vai trò là những giá đồng hầu Thánh.
Sau lễ chánh tế diễn ra ở điện Huệ Nam, các con nhang đệ tử tiến hành nghi thức cung nghinh Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, ngôi làng toạ lạc bên cạnh điện Huệ Nam, nơi nhiều thế hệ con dân từ trước đã nhận Thiên Y A Thánh Mẫu làm Thành Hoàng của làng.
Trong tiếng réo rắt của âm nhạc chầu văn, Mẹ được rước lên chiếc bằng đã được chuẩn bị từ trước cùng đoàn đạo ngự có đủ giá của Tứ phủ, Giám sát, Giám sát Thượng Ngàn, Khâm sai mở đường và hàng hàng lớp lớp các bằng của các Phổ. Đến làng Hải Cát, long vị Thánh Mẫu được rước vào đình làng. Ở đây, Mẹ cùng vui vầy với con dân trong trọn một đêm, nhận những lễ vật con dân dâng lên Mẹ trong dịp Thu tế của làng, trấn an, chúc phúc lành và giải toả mọi ẩn ức của họ qua những giá đồng, qua những lời phán truyền, để sáng ngày hôm sau, Mẹ lại hồi loan trở về điện Huệ Nam.
Vào đêm Thánh Mẫu chung vui cùng con dân làng Hải Cát, các Phổ theo hầu lại đón tiếp Mẫu qua các giá đồng Tôn Ông, Đức Bà, các Cô, các Cậu… trên các bằng neo đậu trước bến đình. Trong một trục không gian vô hình được định vị bởi hai tầng trời Thượng Thiên, Thiên, và dưới đó là Thượng Ngàn, Thuỷ Phủ, nơi nào cũng có những vị Thánh đại diện giáng đồng để chúc mừng Mẹ.
Một bức tranh sinh động, rực rỡ sắc màu với người cầm đèn, kẻ cầm quạt, chèo đò, múa kiếm, dâng hương… quây quần bên Mẹ, như một động thái tăng thêm sự trang trọng của ngày Mẹ trở về với con dân. Cùng lúc, đội ngũ hầu đồng lo chăm sóc các vị giáng đồng như dâng khăn, rót rượu, đốt thuốc, têm trầu… tận tình như một cách biểu lộ sự đồng tình, chia sẻ, tiếp nhận lời chúc lành của ơn trên, cùng với các đệ tử, lẫn khách hành hương.
Tạp chí Heritage