Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp có những kỳ họp ĐHĐCĐ không mấy suôn sẻ, hầu hết các kỳ đại hội của các công ty đại chúng đều diễn ra trong sự đồng thuận cao giữa HĐQT và các cổ đông.
Quan sát các kỳ ĐHĐCĐ thường niên hay bất thường của các công ty đại chúng, điều dễ thấy là không ít những quyết sách quan trọng đều được các cổ đông dễ dàng thông qua, thậm chí cổ đông còn uỷ quyền cho HĐQT thực hiện.
Điều này phần nào nói lên tầm ảnh hưởng của cổ đông lớn hoặc các thành viên HĐQT, nhưng cũng cho thấy sự đồng thuận, nhất trí cao không chỉ trong nội bộ HĐQT mà còn là sự tin tưởng tuyệt đối của các cổ đông dành cho HĐQT, cũng như sự tôn trọng của các cổ đông dành cho nhau.
ĐHĐCĐ bất thường Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) vừa qua là một ví dụ. Bên cạnh quyền lợi của các cổ đông được đảm bảo thông qua kế hoạch chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận, những tờ trình của HĐQT mang tính bước ngoặt cho ngân hàng như: góp vốn, mua cổ phần của FPT, thay đổi địa điểm trụ sở ngân hàng sang một tỉnh khác, bầu bổ sung, miễn nhiệm thành viên HĐQT,… tất cả đều được cổ đông chấp thuận, thậm chí cổ đông chỉ cần thông qua về mặt chủ trương, việc thực hiện như thế nào đều uỷ quyền cho HĐQT.
Trước ngày đại hội diễn ra, LPBank đăng tải công khai tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ với những đề xuất mang tính bước ngoặt lớn, nhưng những đề xuất này đều không gây ồn ào.
Điều này tương tự như hai kỳ ĐHĐCĐ thường niên gần nhất, HĐQT LPBank đều có tờ trình về việc đổi tên ngân hàng và tất cả đều được cổ đông chấp thuận.
Đây cũng là nền tảng để Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy tự tin khẳng định định hướng chiến lược của ngân hàng giai đoạn 2024-2028 là “Đưa LPBank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường với vị trí số 1 về ngân hàng bán lẻ tại nông thôn và đô thị loại 2 trên nền tảng công nghệ số và Top 5 dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại các đô thị lớn, Top 6 ngân hàng có vốn hoá lớn nhất thị trường, đưa hoạt động của ngân hàng góp phần mục tiêu xoá nạn tín dụng đen”.
Những chia sẻ trên của ông Nguyễn Đức Thụy phần nào liên quan đến kế hoạch chuyển hội sở của ngân hàng. Theo đó, LPBank sẽ “đánh chiếm” thị phần tại khu vực nông thôn và đô thị loại 2 để dẫn đầu tại thị trường này.
Còn tại ĐHĐCĐ bất thường Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), với một loạt các đề xuất được HĐQT và BKS trình ra, điều duy nhất khiến các cổ đông băn khoăn về điều lệ giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 4,99% vốn điều lệ ngân hàng.
Cổ đông đặt câu hỏi tỷ lệ này liệu có ảnh hưởng đến việc thoái vốn của nhà đầu tư chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) hay không? Lợi ích cụ thể cổ đông nhận được khi giới hạn tỷ lệ này?
Trước những câu trả lời đầy đủ và thoả đáng từ HĐQT, các cổ đông cũng đã biểu quyết thông qua 100% các tờ trình của HĐQT và BKS.
Một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác là Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Sự đồng thuận cao giữa các cổ đông là yếu tố quan trọng để nhà băng này đang từng bước thực hiện tái cơ cấu theo đề án đã được NHNN phê duyệt.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, các cổ đông NCB đã biểu quyết thông qua những vấn đề lớn, trong đó có việc thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, kế hoạch kinh doanh năm 2024, và đặc biệt là thông qua báo cáo tiến độ và kết quả xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với tỷ lệ thông qua lên đến trên 99%. Theo đó, NCB đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc xử lý các tài sản tồn đọng và hoàn thành phương án cơ cấu lại vào năm 2029.
Ngân hàng cũng gia tăng nguồn lực tài chính cho các bước chuyển đổi mạnh mẽ khi dự kiến hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng, lên hơn 11.800 tỷ đồng vào cuối 2024. Theo lộ trình, NCB sẽ tiếp tục tăng vốn và dự kiến quy mô vốn điều lệ của NCB sẽ đạt hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp, khách hàng trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động, những kết quả tích cực kể trên đã cho thấy sự chủ động và quyết liệt của NCB trong triển khai các giải pháp tái cơ cấu, hứa hẹn những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Một nhà băng khác là BIDV, cổ đông cũng đã thông qua phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 cùng các đề xuất quan trọng khác tại kỳ ĐHĐCĐ bất thường vừa qua. Trên cơ sở đó, BIDV xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành định chế tài chính hàng đầu Đông Nam Á, có nền tảng tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc Top 100 ngân hàng mạnh nhất châu Á.
Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức có được sự đồng thuận cao, thời gian gần đây cũng có những doanh nghiệp không thể tiến hành ĐHĐCĐ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
FLC, doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau “đại án” Trịnh Văn Quyết đã không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2024 do số cổ đông dự họp đại diện không đủ trên 50% số phiếu biểu quyết của công ty.
Cũng với lý do tương tự, CTCP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp (DBT) cũng đã không thể tiến hành ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2024.
Thực tế cho thấy, các công ty cổ phần đại chúng nếu có tình trạng một bộ phận cổ đông lớn chi phối và nắm giữ phần lớn cổ phần thì sự xung đột còn xảy ra giữa các cổ đông lớn với nhau. Các cổ đông nhỏ lẻ sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Các công ty đại chúng này có vẻ không có mục tiêu tối đa hóa giá trị của toàn bộ cổ đông mà thường diễn ra từ lợi ích nhóm. Những cổ đông thật sự lớn nhưng không chi phối cũng cảm thấy lợi ích không được đảm bảo và có thể sẽ phát động những cuộc chiến kéo dài. Điều này chắc chắn sẽ gây tổn hại đến tổ chức cũng như cho chính các cổ đông.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/khi-co-dong-va-hdqt-dong-thuan-vi-muc-tieu-chung-2346096.html