Tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của tổ chức cộng sản
Tháng 11/1924, sau hơn một năm ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc được Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Quảng Châu – trung tâm của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc. Qua sự giúp đỡ của Lãnh sự quán Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn những người ưu tú để rèn luyện, giáo dục, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Cũng ngay thời điểm đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập một tổ chức chính trị như mong muốn là cần phải thành lập ngay một tờ báo làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể, không có báo thì không thể chuyển tải được các chủ trương, quan điểm đến tận các tổ chức cơ sở, các hội viên, đặc biệt là trong điều kiện hoạt động bí mật và điều quan trọng hơn, tờ báo ấy, như lời V.Lenin “sẽ như một bộ phận của cái lò rèn khổng lồ thổi cho mỗi tia lửa của cuộc đấu tranh giai cấp và của sự phẫn nộ trong Nhân dân bùng lên thành một đám cháy lớn”.
Và tờ báo lĩnh sứ mệnh lịch sử “thổi bùng sự phẫn nộ thành đám cháy lớn” ấy đã gọi tên Thanh Niên. Ngày 21/6/1925, sau thời gian nỗ lực chuẩn bị của Nguyễn Ái Quốc, số báo đầu tiên của tuần báo Thanh Niên ra đời.
Nội dung chính trị cơ bản của Báo Thanh Niên là: Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hòa được; Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; Người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp và phải có phương pháp cách mạng đúng; Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga mới giành thắng lợi. Trên các số báo, hầu hết các bài đều có mục đích khơi sâu lòng căm thù quân cướp nước, kích thích tinh thần độc lập dân tộc và lòng ái quốc để cổ vũ Nhân dân nổi dậy làm cách mạng.
Báo được bí mật đưa về lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, trong những người có cảm tình với Hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Trung Quốc. Ở Việt Nam, các số Báo Thanh Niên được các cơ sở cách mạng chép tay thành nhiều bản rồi chuyền tay nhau cho các đồng chí của mình đọc và truyền đạt tới Nhân dân.
Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội ở trong nước còn dùng tờ báo để vận động, tuyên truyền, giác ngộ và huấn luyện kết nạp hội viên. Chỉ với 88 số báo, nhưng Báo Thanh Niên đã kịp hoàn thành sứ mệnh lịch sử: trở thành kim chỉ nam cho những thanh niên Việt Nam yêu nước thời kỳ này, thực sự làm tròn sứ mệnh “làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể”.
Và từ Thanh Niên, dòng Báo chí Cách mạng được khai mở, hòa vào dòng chảy của lịch sử dân tộc, góp phần đưa chủ nghĩa yêu nước vào trong Nhân dân Việt Nam, nhất là trong thanh niên, theo xu hướng của cách mạng vô sản, đặc biệt là tích cực tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của các nhóm cộng sản vào cuối năm 1929 và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Đơn cử như tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, quyết định cho xuất bản Báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng; Ban công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động… Tháng 9/1929, Chi bộ Đảng Cộng sản An Nam ở Thượng Hải ra Báo Đỏ…
Theo tài liệu chưa đầy đủ, kể từ tờ Thanh niên mở đường đến cuối năm 1929, có trên 50 tờ báo và tạp chí của Hội Thanh niên, Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam. Có tờ ra được khoảng 200 số (chưa có con số xác định) như Thanh niên; có tờ ra được vài chục số, thậm chí một vài số. Dù thời gian xuất bản, tờ nhiều, tờ ít, nhưng có thể nói những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động. Trên hết như đã nói, là sự chuẩn bị về mặt tư tưởng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiến hành công cuộc thống nhất tư tưởng, hành vi toàn Đảng
Tôn chỉ, mục đích của tờ Tranh đấu – cơ quan Trung ương của Đảng cũng là mục tiêu hướng đến của các tờ báo cách mạng giai đoạn 1930 – 1936. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức cộng sản dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, thông qua nghị quyết về báo chí chỉ rõ: 1. Bỏ những tờ báo do Đông Dương Đảng Cộng sản và An Nam Đảng Cộng sản xuất bản trước đây; 2. Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền; 3. Bỏ những tờ báo của các hội quần chúng do Đảng chỉ đạo; 4. Duy trì tất cả những tờ báo do quần chúng chủ trương. Về tổ chức báo chí, do Đảng thống nhất, nên báo chí của hệ thống các tổ chức cộng sản trước đây đều ngừng xuất bản, để theo một dòng chỉ đạo thống nhất của Đảng Cộng sản.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử dân tộc cũng như sự chỉ đạo đối với nền Báo chí Cách mạng. Từ đây báo chí của Đảng đã phát triển phong phú, cả về tên báo, do Trung ương và các cấp ủy Đảng, các chi bộ Đảng tổ chức ra; về phục vụ cho nhiều đối tượng cần tuyên truyền, cổ động và tổ chức.
Ngày 5/8/1930, Tạp chí Đỏ, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ra số đầu tiên. Ngày 15/8/1930, Báo Tranh đấu, cơ quan Trung ương của Đảng ra số 1. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, Tạp chí Đỏ và Tranh đấu ngừng xuất bản. Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản báo Cờ vô sản, số 1, ngày 1/1/1931 và Tạp chí cộng sản số 1, ngày 11/2/1931 do Tổng Bí thư Trần Phú trực tiếp phụ trách.
Cũng trong thời kỳ này, Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng được thành lập làm nhiệm vụ tạm thời của Trung ương, xuất bản tạp chí Bônsêvích làm cơ quan lý luận để thống nhất Đảng. Tháng 6/1934, Tạp chí Bônsơvích ra số đầu và sau đó, từ tháng 3/1935, tạp chí đã trở thành cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và Chi bộ cũng ra báo nhưng rồi ngừng xuất bản liên tục cùng với sự chống phá của địch đối với các xứ ủy, như báo Cờ đỏ (năm 1932), Cờ lãnh đạo (năm 1933), Giải phóng (năm 1935) của Nam Kỳ, Tiến lên (năm 1931), Cờ đỏ của Bắc Kỳ, Công nông binh (năm 1931), Cờ đỏ của Trung Kỳ. Bên cạnh đó là hệ thống báo tỉnh ủy và liên tỉnh ủy, báo huyện, nhất là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.
Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc – phong kiến, đỉnh cao là cao trào Xô viết – Nghệ Tĩnh. Tính chung từ năm 1930 đến giữa năm 1936, có trên 160 tờ báo và tạp chí của Trung ương và các địa phương.
Một điểm đặc sắc của Báo chí Cách mạng giai đoạn 1930-1936 là sự ra đời của “dòng báo chí trong tù” – hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử báo chí – khi một số nhà tù, chi bộ chủ trương ra báo để rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận và chính trị cho cán bộ, đảng viên ở trong tù. Ở Hỏa Lò, Hà Nội, có Con đường chính, Lao tù tạp chí (sau đổi là Tù nhân báo), Bônsơvích, Tạp chí Cộng sản. Ở Côn Lôn, có Người tù đỏ, Ý kiến chung. Ở nhà tù Quảng Nam, có Mõ nhà pha (sau đổi là Vắt cơm bi). Ở nhà tù Buôn Ma Thuật, có Doãn đê tạp chí (sau đổi là Bônsơvích)…
Nâng cao nhận thức cách mạng, trang bị vũ trang tư tưởng cho toàn Đảng và Nhân dân
Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận Nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, trong đó có nước Pháp và hình thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít, Lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 – 1939), Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương công khai xuất bản sách, báo chí để tuyên truyền cách mạng.
Các tờ báo của Đảng, của Mặt trận Dân chủ và các đoàn thể ra đời ở hầu hết các tỉnh thành trong nước nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê nin và nâng cao nhận thức cách mạng cho quần chúng. Tờ Hồn trẻ tập mới có thể nói là ấn phẩm đi tiên phong, mở đường cho báo chí của Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng xuất bản công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp trong thời kỳ vận động dân chủ, trực tiếp đưa tiếng nói của những người cộng sản qua phương tiện báo chí, đến với Nhân dân đông đảo.
Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công xâm lược Ba Lan, Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, thời kỳ vận động đấu tranh cho dân chủ kết thúc. Bọn cầm quyền thẳng tay xóa bỏ những điều cải cách, tiến hành chính sách phát xít đối với báo chí, đàn áp báo chí tiến bộ, khủng bố các nhà báo dân chủ và cách mạng. Đảng ta buộc phải chuyển vào hoạt động bí mật, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và thay đổi sách lược cho phù hợp với tình hình chiến tranh và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Chính sách báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng thay đổi theo. Các nhà báo cách mạng từ công khai chuyển sang hoạt động bí mật.
“Cái cốt yếu là phải ra báo bí mật” để trang bị vũ trang tư tưởng cho toàn Đảng và Nhân dân, thực hiện chỉ đạo ấy của Trung ương Đảng, Báo chí Cách mạng vẫn nỗ lực chứng tỏ vai trò của mình. Trong số những tờ báo cách mạng tiêu biểu thời kỳ này không thể không kể tới Báo Dân Chúng, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 41, ra ngày 3/1/1939. Báo do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sáng lập; Báo Le Travail (Lao động), tuần báo chính trị và kinh tế xuất bản thứ 4 hàng tuần bằng tiếng Pháp tại Hà Nội, số 6, ngày 21/10/1936; Báo Tin Tức, tuần báo, cơ quan của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, số 36, ra ngày 24/9/1938; Báo Lao Động, cơ quan bênh vực quyền lợi của giai cấp cần lao, số 20, ra ngày 14/7/1939…
Đẩy mạnh cao trào cách mạng, dọn đường cho Tổng khởi nghĩa thắng lợi
Báo chí Cách mạng giai đoạn 1939-1945 còn gọi là báo chí thời kỳ cao trào cứu nước bởi phản ánh rất rõ khí thế cách mạng cao trào chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đỉnh cao của Báo chí Cách mạng thời kỳ này là giai đoạn sau Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941). Đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bí mật trở về nước sau 30 năm Người ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Tháng 5/1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng. Hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: Thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh); tạm gác khẩu hiệu: “Tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày”; đề ra chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo; giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng; chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước ở Đông Dương; thành lập, phát triển và tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và nửa vũ trang; chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, đi từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Sau Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc xuất bản Việt Nam Độc Lập (năm 1941) của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Tháng 9/1941, Trung ương Đảng quyết định cho xuất bản Tạp chí Cộng sản, Tổng Bí thư Trường Chinh được phân công trực tiếp xây dựng tạp chí. Ngày 25/1/1942, đồng chí Trường Chinh cho xuất bản báo Cứu Quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Ngày 10/10/1942, xuất bản Báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền, cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 28/2/1943, xuất bản Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong đó, hai tờ báo có nhiều cống hiến nhất vào việc tổ chức lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là Cờ giải phóng và Cứu quốc.
Ở cấp tỉnh, ngoài tờ Việt Nam độc lập của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, Cao Bằng – Bắc Cạn, Cao – Bắc – Lạng. Các tỉnh khác, như Hưng Yên có báo Bãi sậy, Quảng Ngãi có Chơn độc lập, Thanh Hóa có Đuổi giặc nước, Bắc Ninh có Hiệp lực, Ninh Bình có Hoa Lư, Phúc Yên có Mê Linh, Bắc Giang có Quyết thắng, Chiến khu Hòa – Ninh – Thanh (Hòa Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa) có Khởi nghĩa, đặc biệt khu Bắc Sơn có Bắc Sơn… Bên cạnh đó là báo của các đoàn thể cứu quốc như tờ Chiến đấu của Việt Nam quân nhân cứu quốc hội, sau đổi là của Việt Nam giải phóng quân, Tiền phong của Hội Văn hóa cứu quốc, Việt Nam của Việt Nam cứu quốc hội…
Dòng báo chí trong tù vẫn phát triển, tiêu biểu như tờ Suối reo ở nhà tù Sơn La, Bình minh trên sông Đà ở nhà tù Hòa Bình,… Đặc biệt, trong giai đoạn này, lần đầu tiên trong phong trào yêu nước ở các vùng dân tộc thiểu số có một tờ báo riêng bằng chữ dân tộc: tờ Lắc Mướng, cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội người Thái cứu quốc.
Trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, mặc dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật vô cùng khó khăn, hàng loạt các tờ báo cách mạng đã đến với quần chúng Nhân dân, thúc đẩy lòng yêu nước, phát động cao trào cứu quốc, tập hợp lực lượng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của dân tộc ta.
Chính sự phát triển phong phú của báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ảnh hưởng rộng rãi của Đảng với quần chúng Nhân dân, tăng cường vị thế của Đảng trong đấu tranh vận động cách mạng, góp phần tạo nên thành công của Đảng trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Báo chí đã thực sự là tờ hịch cách mạng, cổ vũ Nhân dân đứng lên đấu tranh, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cho chính mình.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/khi-bai-bao-la-to-hich-cach-mang-post299554.html