Đại nạn vì… “lời khen”
Bà Nguyễn Minh Quyên, Giám đốc phòng khách hàng tại một công ty du lịch có văn phòng tại Gò Vấp, TPHCM kể về trường hợp doanh nghiệp gặp phải ít tháng trước.
Lần đó, công ty nhận được hợp đồng đi tour 3 ngày 2 đêm đến Phú Quốc với đoàn gần 40 khách. Đang lúc cao điểm, công ty phải gọi thêm hướng dẫn viên du lịch thời vụ từ bên ngoài với chi phí 1,8 triệu đồng/ngày bao ăn ở. Trong đó, có một hướng dẫn viên nam từng vài lần hợp tác với công ty.
Nhưng chỉ đến ngày thứ 2, chuyến đi đã gặp sóng gió khi vị khách nữ trong đoàn là quản lý của công ty kia “nổi xung” với nam hướng dẫn viên du lịch thời vụ này. Chị bỏ tour, yêu cầu đại diện công ty phải đến gặp làm việc.
Bà Quyên bay ngay ra Phú Quốc để xử lý sự việc. Thông tin được xác định, trong chuyến đi, nam hướng dẫn viên được thuê nhiều lần khen ngợi khách nữ trong đoàn, đặc biệt là nữ quản lý kia như “ngon quá”, “dòm phát ham”, “sexy này ai chịu cho nổi”…
Ngày đi bãi Sao, khi nữ quản lý này vừa thay bikini để xuống biển, nam hướng dẫn viên liền xuýt xoa “nóng cháy lửa”, “chịu không nổi”, “nhìn chị em muốn… đi tù” cùng lời đùa giỡn mô tả kích cỡ các vòng đo, hình thể của khách hàng.
Nhân viên này còn đùa cợt những lời hàm ý về khả năng tình dục kiểu như “chị thế này chắc anh xã ở nhà phải uống viagra” cùng gợi ý “cần gì ới em”…
Nam nhân viên không thể ngờ, khác với nhiều người, nghe đùa thì đùa lại cho vui hoặc im lặng, nữ quản lý nổi khùng cho rằng cậu ta xúc phạm, có hành vi quấy rối tình dục rồi bỏ về khách sạn…
Bà Quyên kể, khi trao đổi, nam nhân viên thanh minh cậu chỉ bông đùa để mọi người thêm vui vẻ, không hề động tay động chân vào cơ thể khách. Còn nữ khách hàng khẳng định chị bị quấy rối tình dục, bị xúc phạm bằng những lời nói thô tục, mang hàm ý không trong sáng.
Trước vị khách này, bà Quyên cho biết một số khách hàng từng phản ánh nam hướng dẫn viên nói trên có thái độ, lời nói, ánh mắt thiếu nghiêm túc, tôn trọng phụ nữ. Tuy nhiên, lúc đó, công ty cũng nghĩ chỉ là đùa vui, thêm chút gia vị cho hành trình.
Lần này nhìn ra vấn đề, công ty xin lỗi khách hàng, đưa nhân viên nữ khác vào thay thế và ngưng hợp tác vĩnh viễn với nam hướng dẫn viên kia.
“Sau sự việc, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho nhân viên về các hành vi quấy rối tình dục để họ nhận diện cũng như biết được giới hạn hành vi, lời nói của mình khi tiếp xúc với khách hàng”, bà Quyên chia sẻ.
Không thể bao biện “đùa thôi mà”
Chị Phan Thu Hằng, 29 tuổi, ở TPHCM kể trường hợp của chính mình khi chuyển đến công ty mới. Ở đó, chị thường xuyên bị một nam nhân viên buông lời cợt nhả, sàm sỡ.
Từ những lời “em ngon quá”, “nhìn chảy nước dãi”, anh ta thường ví von, mô tả về cơ thể cũng như ám chỉ khả năng giường chiếu của chị Hằng một cách công khai, thô thiển.
Nữ nhân viên nhiều lần tỏ thái độ, yêu cầu người này dừng lại thì đối tượng càng lấn tới với những lời đùa cợt không điểm dừng làm chị vô cùng ức chế, khó chịu. Khi mọi phản ứng không có tác dụng, chị Hằng lên thẳng ban Giám đốc tố cáo mình bị đồng nghiệp quấy rối tình dục.
Lúc đầu, quản lý công ty cũng rất lúng túng vì chị Hằng, người tố cáo không hề bị đụng chạm, sờ mó. Với kiến thức của mình, chị Hằng phân tích cho mọi người thấy mình bị quấy rối tình dục bằng lời nói, sự cợt nhả, xúc phạm…
“Thủ phạm” là nam đồng nghiệp kia cũng ngã ngửa với tội danh quấy rối tình dục nơi công sở khi vẫn cho rằng “chỉ đùa thôi”. Sau sự việc, anh ta bị chuyển sang cơ sở khác và vài tháng sau thì nghỉ việc.
Chị Hằng cho hay, tại môi trường công sở, những lời bỡn cợt về thân thể, tình dục hóa người khác diễn ra nhan nhản. Nhiều người xem là trò đùa, có khi cả nạn nhân và thủ phạm không biết đó là hành vi quấy rối tình dục.
Với trải nghiệm của mình, chị Hằng cảnh báo, nhận thức về hành vi quấy rối tình dục ngày càng được nâng cao. Bởi vậy, trong cư xử, nói năng hàng ngày, mỗi người cần phải thật sự nghiêm túc, tôn trọng người khác.
Kể cả khen cũng cần xem lời khen có đứng đắn không, có mang đến sự dễ chịu cho người đối diện không. Thực tế, nhiều lời khen lại mang ý bỉ bôi, bỡn cợt, xúc phạm.
Đặc biệt, theo chị Hằng, không chỉ phái nam mà chị em phụ nữ cũng là “trùm” về việc quấy rối tình dục bằng những câu chữ đùa cợt thái quá của mình.
Khi tập huấn chủ đề phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc tại các xí nghiệp ở TPHCM, ông Phạm Hải Bình, chuyên gia phát triển cộng đồng nhấn mạnh, người Việt thường có thói quen kể những chuyện tiếu lâm về tình dục, đùa giỡn về cơ thể phụ nữ hay thản nhiên ám chỉ khả năng giường chiếu của người khác…
Nhiều người cho đó là chuyện vui nhưng ông Bình cho rằng, điều đó không hề vui trong các mối quan hệ, nhất là trong bối cảnh nơi làm việc.
Theo ông Bình, hành vi quấy rối không thể bao biện rằng “đùa thôi mà”. Mỗi nhân sự cần có sự hiểu biết để phòng việc trở thành nạn nhân bị quấy rối cũng như tránh việc bản thân có thể trở thành thủ phạm, xâm hại người khác. Có như vậy mới có một môi trường sống, môi trường làm việc văn minh và chuyên nghiệp.
Theo Bộ luật Lao động 2019, quấy rối tình dục nơi làm việc còn bao gồm hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục.
Theo Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ.
Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.