Lớn tuổi, ngại thay đổi môi trường sống, lương quá thấp so với mong muốn hoặc chỉ muốn làm việc thời vụ là những lý do khiến nhiều lao động khó tìm việc làm mới.
Đơn hàng khởi sắc, một số doanh nghiệp tại TP HCM đang gấp rút tuyển dụng lao động số lượng lớn, thế nhưng nhiều người lao động dù cần việc làm vẫn không ứng tuyển.
Đó là trường hợp của chị Trần Thị Kim Lĩnh (quê An Giang), hiện đang ở trọ tại quận Bình Tân. Chị Lĩnh đột ngột bị mất việc cách đây gần một năm khi đã có thời gian hơn 10 năm gắn bó tại một công ty giày da lớn. Sau khi mất việc, chị đã chạy khắp nơi tìm việc làm mới nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu bởi thời điểm ấy, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tuyển dụng rất ít. Sau hơn 2 tháng kiếm việc, chị được một cơ sở sản xuất nhận vào làm thời vụ (cán keo đế giày) với mức lương 5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng phân nửa tiền lương công việc trước đó của chị. Cũng may còn khoản bảo hiểm thất nghiệp nên chị mới đủ lo cho hai con nhỏ.
Lớn tuổi, nhiều lao động sau khi mất việc chọn làm việc tự do để tiện chăm sóc gia đình
Đến cuối năm 2023, cũng có nhiều công ty tuyển công nhân trở lại nhưng chị không ứng tuyển. Chị nói: “Hầu hết các công ty đều có mức lương khởi điểm thấp, chỉ cao hơn lương tối thiểu một ít, nếu tôi vào làm việc chính thức thì sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp nữa, lúc ấy tiền lương không đủ trả nhà trọ và lo cho con. Vì vậy, tôi quyết định làm việc thời vụ cho đến khi hết thời gian hưởng BHTN và rút BHXH một lần xong mới tìm việc chính thức”
Một trong những nguyên do khiến nhiều lao động sau khi mất việc khó tiếp cận việc làm mới là lớn tuổi (ngoài 40 với nữ và ngoài 45 với nam). Đó là trường hợp của anh Trần Trọng Tính (huyện Củ Chi). Anh Tính vốn là công nhân tại một công ty giày da ở huyện Củ Chi, cuối năm 2022, do công ty ít đơn hàng buộc phải giảm lao động. Anh tính nằm trong số đó. Mất việc khi đã gần 50 tuổi khiến anh đối mặt với vô vàn khó khăn bởi hiếm có doanh nghiệp nào nhận công nhân lớn tuổi. Không thể tìm được việc làm chính thức tại nhà máy, anh chuyển sang đi bán vé số dạo để phụ vợ lo cho con. Đến nay đã hơn một năm. Mỗi ngày anh kiếm được 150.000 đồng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ tiền nhà trọ, điện, nước và một khoản sinh hoạt phí cho gia đình.
Ngoài ra, nhiều lao động vì lý do sức khỏe hoặc ngại thay đổi môi trường sống nên chấp nhận làm việc tự do chứ không ứng tuyển vào các công ty sản xuất. Đơn cử như chị Đinh Thị Thảo (quê Long An), hiện đang làm việc thời vụ tại một công ty may gia công ở quận 6. Trước đây vì các con còn nhỏ, phải lo đưa đón, chăm sóc nên chị chỉ nhận việc về làm tại nhà.
Chồng chị là thợ hồ, trước đây công việc đều, thu nhập mỗi ngày khoảng 500.000 đồng, cũng tạm đủ lo cho gia đình nên chị không bị áp lực kinh tế nhưng gần đây, công việc của anh không còn được như trước, khi có khi không, thu nhập cũng giảm đi. Thấy các con cũng đã lớn, có thể tự đi học nên chị Thảo mong muốn có được công việc ổn định hơn để phụ chồng. “Thế nhưng tìm được một công việc phù hợp cũng không dễ dàng. Nơi tuyển công nhân thì lại cách quá xa nơi ở trọ, tôi chỉ có một chiếc xa cà tàng, tay lái lại yếu, đi xa rất nhiều rủi ro. Vì vậy, tôi chọn làm việc thời vụ cho công ty gần nhà với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Nếu may mắn, công ty có nhu cầu tuyển dụng chính thức thì tôi sẽ ứng tuyển ngay”-chị chia sẻ.
Theo Người Lao động