Ngày 24/12, Bộ Giao thông vận tải đồng loạt tổ chức Lễ khánh thành 4 công trình giao thông quan trọng gồm: Cảng hàng không Điện Biên; cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ; cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, tại 4 điểm cầu Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long và Tiền Giang.
Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ khánh thành Dự án Cảng hàng không Điện Biên.
Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự Lễ khánh thành Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.
Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, tham dự Lễ khánh thành Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành lân cận.
Tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Lễ khánh thành Dự án Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.003,064 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.
Đây là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực. Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu.
Cầu chính có chiều dài khoảng 1,9 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Cầu có nhịp chính dài 350 m, 2 trụ tháp cao hơn 125 m. Nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, bề rộng mặt cầu 28 m.
Lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.
Dự án được khởi công ngày 16/3/2020. Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan tham mưu Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công, đến nay, dự án đã hoàn thành.
Sau khi được đưa vào sử dụng, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ thành phố. Hồ Chí Minh về Cần Thơ, giúp rút ngắn thời gian hành trình thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ từ khoảng 3,5 giờ xuống còn khoảng 2 giờ.
Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực. Đồng thời, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam bộ.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Dự án Cầu Mỹ Thuận 2, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1; kết nối đồng bộ với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại; tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển trong thời gian tới.
Tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cầu Mỹ Thuận 2. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị quản lý hạ tầng khẩn trương tiến hành giải phóng mặt bằng; tiến tới ổn định nơi ở, sản xuất cho người dân, di dời các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Cầu Mỹ Thuận 2 được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn như: Cao điểm diễn ra dịch bệnh COVID-19; khó khăn cả về nguyên vật liệu, thời tiết, sông sâu, nước chảy…
Song với sự quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thi công, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần kiểm tra thực tế tại hiện trường để chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, chia sẻ, động viên và tặng quà anh em trên công trường, đã tạo thêm động lực nên dự án vượt tiến độ đề ra và được khánh thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Đây là niềm vui, phấn khởi và kỳ vọng vào tương lai tốt đẹp hơn của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương, các nhà thầu, đơn vị tư vấn; đặc biệt cảm ơn sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân trong vùng dự án./.