Càng nối cao tốc, đường tới trạm dừng càng xa
Ngày 24.12, hàng triệu người dân miền Tây và TP.HCM hào hứng đón “quà Giáng sinh” lớn nhất từ trước đến nay, đó là cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Chính thức thông xe, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã nối liền dải cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM đến vựa nông sản ĐBSCL với tổng quãng đường khoảng 135 km, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ đồng hồ, thay vì 4 giờ như trước. Đáng nói, tuyến cao tốc huyết mạch đi miền Tây tuy đã nối thông nhưng cả 3 đoạn vẫn chỉ “dùng chung” 1 trạm dừng chân trên tuyến TP.HCM – Trung Lương, được đặt tại Km 28+200 (H.Thủ Thừa, Long An). Trạm dừng chân này trước cũng phải chờ tới 7 năm sau khi cao tốc TP.HCM – Trung Lương khánh thành mới được đưa vào khai thác, năm 2016. Trong suốt 7 năm đó, không ít tài xế đã phải bất khả kháng cho xe rẽ xuống các nút giao để hành khách giải quyết nhu cầu cá nhân, rồi quay đầu trở lại cao tốc.
Đến tháng 4.2022, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài hơn 51 km, chạy qua địa phận tỉnh Tiền Giang, được đưa vào sử dụng mang theo hy vọng một trạm dừng mới được hình thành. Song, tuyến này cũng không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ do dự án được đầu tư phân kỳ, trong giai đoạn 1 chưa bao gồm những hạng mục này. Nhu cầu cấp bách, tỉnh Tiền Giang đã đốc thúc các đơn vị liên quan, tìm được nhà đầu tư để triển khai dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với quy mô hơn 98.000 m2, gồm có bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, cây xăng và nhiều dịch vụ khác… tổng mức đầu tư 335 tỉ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc nguồn vốn làm đường kết nối với cao tốc, công trình này hiện vẫn đang ì ạch thi công dang dở. Hơn 130 km đường cao tốc đi miền Tây không có 1 chỗ dừng nghỉ an toàn khiến rất nhiều tài xế bức xúc.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự khi các tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết đưa vào khai thác nhưng không có nơi dừng chân, phải dùng “ké” trạm dừng trên cao tốc TP.HCM – Long Thành. Trước đây, trạm dừng này chủ yếu chỉ phục vụ hành khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu và số ít đi Phan Thiết nên khá thoải mái, gần như chưa từng xảy ra cảnh ùn tắc. Tuy nhiên, từ khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết đưa vào khai thác, khách đi Bình Thuận, Đà Lạt, Nha Trang… tăng lên rất nhiều. Hơn 250 km toàn tuyến TP.HCM – Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo chỉ có 1 trạm dừng nghỉ này nên tất cả phương tiện đều có tâm lý dồn vào đây, gây quá tải nghiêm trọng.
“Nếu không dừng ở cao tốc TP.HCM – Long Thành thì phải chạy thêm gần 300 km nữa tới Vĩnh Hảo mới có điểm dừng nghỉ trên đường nối vào đoạn cao tốc tiếp theo. Khi đó thì gần tới Nha Trang luôn rồi. Chưa kể nếu lỡ đi lố, muốn quay đầu về phải mất vài chục ki lô mét nữa. Mình lái xe, chịu mệt xíu đã đành, nhiều trường hợp xe có vấn đề hoặc chở theo gia đình có con nhỏ cần dừng đi vệ sinh mà bí bách quá thế này rất khó và thiếu an toàn. Thành ra, cao tốc càng dài thì đường tìm đến trạm dừng nghỉ lại càng xa”, anh Minh Quang (ngụ TP.Thủ Đức), thường chạy xe về quê ở Nha Trang, chia sẻ.
Thông xe cùng ngày với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuyến Tuyên Quang – Phú Thọ cũng vừa không có trạm dừng nghỉ, vừa không có làn dừng khẩn cấp liên tục. Đây là công trình được người dân các tỉnh vùng đông bắc đón chờ bởi khi hoàn thiện, quãng đường từ TP.Tuyên Quang đi Hà Nội sẽ được rút ngắn từ 3 giờ xuống gần 2 giờ. Con đường cũng đóng vai trò là mắt xích quan trọng khi khớp nối với cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, đang được thi công. Tuy nhiên, cũng do khó khăn về nguồn vốn, công trình phải phân kỳ đầu tư và trong giai đoạn đầu chỉ có 4 làn xe, thay vì làn dừng khẩn cấp thì được bố trí các dải dừng khẩn cấp không liên tục trên tuyến.
Trong năm nay sẽ khởi công loạt trạm dừng
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT cho biết những bất cập về hệ thống đường cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, thiếu làn dừng khẩn cấp đã được Bộ nhận diện và quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể. Nguyên tắc là đối với những dự án mới đang chuẩn bị triển khai, các trạm dừng nghỉ phải được quy hoạch, xây dựng và khai thác đồng bộ với hạng mục đường cao tốc. Với 9 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đã hoàn thành và sẽ hoàn thành trong năm 2024, Cục Đường cao tốc cùng các Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác sẽ được ưu tiên dồn lực triển khai nhanh nhất, không được chậm hơn các dự án cao tốc chuẩn bị triển khai.
Để đáp ứng yêu cầu vận hành trên các tuyến cao tốc, nhu cầu của người tham gia giao thông, đưa vào khai thác đồng bộ với các tuyến cao tốc đã, sắp đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau tại Quyết định số 938 với tổng số 36 trạm. Cục Đường cao tốc cũng đã phê duyệt các nội dung trong Danh mục dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ tại 6 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông với 7 cặp trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần: Mai Sơn – QL45; Nghi Sơn – Diễn Châu; Nha Trang – Cam Lâm; Cam Lâm – Vĩnh Hảo; Phan Thiết – Dầu Giây (mỗi dự án 1 cặp trạm) và Vĩnh Hảo – Phan Thiết (2 cặp trạm).
“Hiện các đơn vị đã tổ chức mời thầu, đấu thầu rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sau khi đóng hồ sơ, các đơn vị sẽ tổ chức chấm thầu, công bố nhà đầu tư trúng thầu, sau đó triển khai. Dự kiến đến quý 2 các công trình sẽ có thể khởi công. Do quy mô các trạm lớn, có trạm dừng nghỉ lên tới hơn 10 ha nên thời gian thi công có thể kéo dài từ 1 đến 1 năm rưỡi”, đại diện Bộ GTVT thông tin thêm.
Theo danh mục hồ sơ, mời gọi nhà đầu tư mà Cục Đường bộ công bố, nhà đầu tư xây dựng 7 cặp trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ phải xây dựng 3 nhóm công trình gồm: Nhóm dịch vụ công như bãi đỗ xe, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông. Nhóm dịch vụ gồm khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; chỗ rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu giải trí, vui chơi dành riêng cho trẻ em và các công trình phụ trợ đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhóm công trình bổ trợ như giới thiệu sản phẩm địa phương, nơi sinh hoạt cộng đồng…