Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây xảy ra một số vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm do dùng thực phẩm trước cổng trường, có cả trường hợp ngộ độc do hộ kinh doanh cung cấp suất ăn cho nhà trường, đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, gây lo lắng cho phụ huynh, gây bức xúc dư luận xã hội.
Năm học mới 2024 – 2025, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục với 6 yêu cầu.
Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo phạm vi, lĩnh vực phụ trách; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục về an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị các phương án sẵn sàng để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học; đồng thời bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm…
Theo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, năm học 2024-2025 toàn tỉnh có hơn 290.000 học sinh của 521 trường học từ mầm non, phổ thông và trung tâm.
Trong đó, có 202 trường mầm non (gồm 159 trường công lập, 43 trường ngoài công lập); 160 trường tiểu học; 121 trường THCS; 34 trường THPT (gồm 29 trường công lập, 5 trường ngoài công lập) và 4 trung tâm.
Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường với tổng kinh phí gần 675,4 tỉ đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy gần 62 tỉ đồng, đồng thời sẽ tiếp tục mua sắm, bổ sung trong thời gian tới.
Nguồn: https://nld.com.vn/khanh-hoa-siet-chat-an-toan-thuc-pham-trong-truong-hoc-196240905110434967.htm