Xử lý ô nhiễm môi trường
Mặc dù sáng nay Đà Nẵng mưa đã ngớt, một số khu vực nước đã rút, tuy nhiên nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng vẫ còn ngập sâu trong nước. Tại khu vực “rốn lũ” ở đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, vẫn chìm trong biển nước. Đặc biệt, tại các kiệt hẻm thuộc tuyến đường Mẹ Suốt, nước vẫn đang ngập sâu đến 1m, có điểm hơn 1,2-1,3m. Suốt chiều dài khoảng 700m của tuyến đường, nhiều nhà cửa, hàng quán vẫn ngập, người dân sơ tán chưa thể trở về.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng, từ ngày 12/10 đến 7 giờ 30 ngày 15/10 tại TP Đà Nẵng đã xảy ra mưa rất to.
Do mưa lớn, trên địa bàn TP xảy ra các điểm ngập lụt ngập cục bộ tại một số tuyến đường, khu vực trũng thấp khoảng từ 30-50 cm, cá biệt có nơi ngập 100-150 cm (khoảng 48/57 xã, phường bị ngập). Gần 6.500 người ở vùng xung yếu được sơ tán đến nơi cao ráo, an toàn. Mưa lớn hàng chục héc ta rau màu bị ngập úng hư hại, nhiều hồ nuôi trồng thủy sản và gia súc bị cuốn trôi. Cảnh báo từ 15/10 đến ngày 17/10, trên sông Vu Gia và các sông thuộc TP Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Sáng nay, tranh thủ ngớt mưa, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đã ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải ở tất cả các tuyến đường, khu dân cư ngập úng và đặc biệt là rác tấp vào sau mưa lớn ở biển Nguyễn Tất Thành.
Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, ngay từ 6h sáng nay, công nhân môi trường tất cả các quận, huyện đã tập trung tổng vệ sinh trên địa bàn được giao. Việc thu gom, vận chuyển hết bùn đất, rác, đất thải, phế thải cồng kềnh phát sinh sau mưa bão trên các tuyến phố được tiến hành khẩn trương đề phòng mưa lớn kéo dài với tinh thần nước rút đến đâu phải đảm bảo sạch và thông thoáng cửa thu đến đó.
“Nhờ công tác chủ động ứng phó của các lực lượng chức năng và người dân nên lượng rác năm nay phát sinh không nhiều, chủ yếu là rác tấp về biển sau mưa lớn. Bên cạnh đó, các đơn vị vẫn triển khai thu gom rác bình thường trong những ngày qua ở những khu vực không ngập. Chỉ đối với những khu vực bị ngập thì tạm thời chờ nước rút vì xe và công nhân chưa vào được. ”- bà Hiếu cho biết.
Đèo Hải Vân đã thông xe trở lại
Cũng trong sáng 15/10, lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ III và Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng đã có mặt tại đèo Hải Vân (khu vực thuộc địa phận TP.Đà Nẵng) để kiểm tra, đánh giá tình trạng sạt lở trên QL1. Sau khi khảo sát vị trí sạt lở trên đèo Hải Vân xảy ra hôm 13/10, đánh giá mức độ, nguy cơ sạt lở và các biện pháp đảm bảo giao thông trên tuyến…, lực lượng chức năng đã chính thức thông báo cho các phương tiện được lưu thông qua đèo Hải Vân.
Ghi nhận tại đèo Hải Vân, điểm sạt lở Km 905+600 (địa phận TP.Đà Nẵng) đã được khắc phục, dọn dẹp khối lượng đất đá đổ xuống mặt đường; gia cố, đắp bạt chống xói lở, lắp đặt lại lan can bị hư hỏng…
Theo Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, đoạn sạt lở trên đèo Hải Vân sẽ được lắp bảng cảnh báo, các phương tiện sẽ được lực lượng CSGT hướng dẫn, điều tiết để lưu thông qua đèo Hải Vân an toàn.
Đồng thời, các đơn vị chức năng phối hợp quản lý tuyến và tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, sạt lở để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện qua đèo Hải Vân và kết cấu hạ tầng giao thông tại đây.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ ngày 15/10 đến sáng 17/10, trên địa bàn TP. Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi hơn 400mm. Từ ngày 18/10, mưa có xu hướng giảm dần. Thành phố cần đề phòng mưa lớn với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị.