Tuyến cống ngầm dài 15km của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thiện, chuẩn bị giải cứu dòng sông Tô Lịch đang ô nhiễm. Công nghệ đặc biệt cũng lần đầu được áp dụng cho một dự án ở Hà Nội.
8 năm kể từ khi bắt đầu thi công, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang gấp rút hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng để vận hành thử cuối năm nay.
Dự án được chia thành 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 2 là xây dựng hệ thống cống gom nước thải cho sông Tô Lịch do Công ty Tekken (Nhật Bản) thi công. Gói thầu này bắt đầu triển khai từ ngày 16/3/2020, đến nay đã đạt 93% tiến độ.
Với gói thầu này, nhà thầu sẽ thi công lắp đặt hệ thống cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch, điểm đầu từ ngã tư Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối tại ngã ba sông Tô Lịch – sông Lừ thuộc địa phận quận Hoàng Mai (vị trí trong ảnh).
Đơn vị dùng phương pháp đào mở với một phần nhỏ của đoạn tuyến, còn lại áp dụng công nghệ mới là khoan kích ngầm bằng robot.
Với công nghệ khoan kích ngầm, ban đầu nhà thầu sẽ đào các giếng theo phương thẳng đứng, gia cố bằng cọc cừ, sau đó đưa robot xuống đáy giếng và khoan theo chiều ngang để kết nối các giếng với nhau.
Phần cống ngầm kết nối 2 miệng giếng ở ngã ba sông Tô Lịch – sông Lừ có khoảng cách dài nhất (550m), nằm ở độ sâu 13,44m so với mặt đường. Vỏ cống được làm bằng bê tông phủ sơn epoxy chống thấm và chống ăn mòn.
Trên lộ trình chạy dọc sông Tô Lịch, tuyến cống sẽ thay đổi độ sâu ở từng vị trí khác nhau và có nhiều điểm đi luồn dưới đáy sông Tô Lịch.
Ông Chong Jiun Yiat, Giám đốc dự án gói thầu số 2, cho biết công nghệ khoan kích ngầm lần đầu tiên áp dụng cho một dự án tại Hà Nội. Với gói thầu này, Tekken đã hoàn thành 100% hạng mục thi công đào mở và khoan kích ngầm, còn lại đạt 87% tiến độ thi công hố ga và 85% cho hạng mục lắp đặt các tuyến cống nhánh.
Nhà thầu đang chạy nước rút để đạt mục tiêu hoàn tất các công việc vào cuối năm nay. Vướng mắc lớn nhất hiện tại là Hà Nội đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công gói thầu số 3 (lắp đặt hệ thống cống bao trên sông Lừ). Do đó, phía Tekken cho biết việc lắp đặt hố ga ở ngã ba sông Lừ – sông Tô Lịch chưa thực hiện được.
Tại vị trí giếng ngầm, đơn vị cũng đã thiết kế đường lên xuống cống, phục vụ quá trình thi công. Ông Chong đánh giá thi công giếng là hạng mục khó nhất của gói thầu này, do quá trình triển khai, nhà thầu phải tiến hành di dời nhiều công trình tiện ích trên mặt đất như đường ống cấp nước, cống thoát nước, cáp viễn thông, dây điện…
Đơn vị vừa thi công, vừa theo dõi xem việc khoan kích có ảnh hưởng đến công trình hạ tầng bên trên mặt đất hay không.
Ngày 16/4 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa công trường gói thầu số 2, trực tiếp kiểm tra hệ thống cống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch khu vực ngã ba sông Lừ – sông Tô Lịch (Ảnh: Hà Nội Mới).
Nước thải sau khi đi qua hệ thống cống gom, sẽ theo đường dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Việc thi công nhà máy này (gói thầu số 1) đã hoàn thành 96%, chờ kết nối đồng bộ với gói thầu số 2 và số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới) để vận hành thử trong năm nay.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội (chủ đầu tư) cũng đang đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội sớm có ý kiến về chủ trương tiếp tục đầu tư 9 bể lắng sơ cấp và 6 bể nén bùn trọng lực bằng nguồn vốn thành phố.
Việc này nhằm đảm bảo hoàn thiện quy trình xử lý của nhà máy, giải pháp bổ cập nước và công nghệ xử lý bùn thải theo chỉ đạo của thành phố.
Sơ đồ hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Đồ họa: Ngọc Tân).
Sau khi đi vào vận hành, dự án sẽ góp phần xử lý nước thải sinh hoạt của 7 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông và Thanh Trì. Hà Nội cũng đặt kỳ vọng dự án sẽ làm “giải cứu” những con sông ô nhiễm của thủ đô bao gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông. Tổng chiều dài khoảng 52,62km.
Trong đó, nhà máy được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 13,8ha.
Tổng mức đầu tư của dự án là 16.293 tỷ đồng, với hơn 84% là vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Dự án triển khai từ năm 2016, đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2020, lùi tiến độ đến năm 2022 nhưng đến nay chưa thể vận hành. Mốc mới Hà Nội đặt ra để vận hành hệ thống này là năm 2025.
Theo Dân Trí