Món ăn tinh thần vô giá
Giai đoạn 1946 – 1954 là một giai đoạn lịch sử rất quan trọng và đặc biệt quan trọng đối với báo chí, bởi vì đây là giai đoạn đầu tiên báo chí nước nhà độc lập tự do, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với một tư cách mới. Dù gian khổ đến mấy mỗi người làm báo thời kỳ này đều nỗ lực hết mình, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Có thể nói trong giai đoạn này, phần lớn những nhà báo, ngoài các đồ dùng tác nghiệp thông thường hành trang mang theo là đeo ba lô, cuốc, xẻng để đào hầm đào hào. Nhiều cán bộ phóng viên cơ quan báo chí còn mang vác cả thiết bị thu phát sóng, radio, máy in… từ hậu phương đi đến các vùng sơ tán, để bắt đầu một cuộc chiến đấu mới, một giai đoạn mới.
Chia sẻ về những tài liệu quý được tìm kiếm và lưu giữ tại bảo tàng, nhà báo Trần Thị Kim Hoa – Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Không chỉ làm báo dưới hầm sâu mà còn làm báo ở trong các nhà tranh, vách nứa giữa rừng, hằng ngày trèo đèo, lội suối, vừa viết báo vừa tự làm làm giấy. Như nhà báo Thép Mới ở Báo Nhân Dân, trong giai đoạn này phải đi bộ hàng chục km liên tục đường đồi, núi để đưa bài về cho Tổng Biên tập duyệt. Hiện vật làm sáng rõ về những câu chuyện, với những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà các thế hệ người làm báo thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã vượt qua để đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cũng chính trong giai đoạn khó khăn này, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập (ngày 4/4/1949). Đây là nơi đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong thời kỳ kháng chiến. Chỉ trong 3 tháng thành lập nhưng đã bổ sung đội ngũ nhà báo được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp phục vụ tuyên truyền trong kháng chiến. Và chỉ trong 3 tháng đó thì Bác Hồ tới 2 lần gửi thư động viên. Điều đó để nói Bác luôn quan tâm đến báo chí kháng chiến và đội ngũ nhà báo kháng chiến”.
Nhà báo Kim Hoa cũng nhấn mạnh thêm rằng, chính trong giai đoạn gian khổ nhưng đầy hào hùng đó, đã có rất nhiều tờ báo lớn ra đời như: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân Dân, Báo Công an Nhân Dân, hay ngay cả Báo Văn nghệ cũng đã ra đời trong thời kỳ này. Cán bộ phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đều nhận nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, vừa đi lấy tin từ các trận đánh vừa sản xuất ra những ấn phẩm báo chí ngay tại chiến trường. Trên thực tế, nhiều nhà báo không chỉ sản xuất tin tức, họ còn vẽ tranh, sáng tác những bài thơ nói về các trận đánh, về những tấm gương anh hùng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Có lẽ chính trong giai đoạn khó khăn gian khổ đó mới có những tác phẩm báo chí đầy hấp dẫn, định hướng cho công tác tuyên truyền, cổ động. Mỗi nhà báo, phóng viên thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn…nhưng những gì họ để lại, gìn giữ thì đã làm nên những giá trị cho muôn đời sau.
Nhớ lại những dịp đi sưu tập hiện vật, tài liệu về làm báo thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà báo Trần Thị Kim Hoa – Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam kể: “Khi lên tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi cực kỳ ấn tượng về chuyện làm báo gánh, báo loa, tức là có tờ báo được những người phụ nữ gánh trên vai đi hàng trăm km từ hậu phương lên chiến khu và đến với mọi công chúng. Họ mang theo những chiếc loa, đài vừa đi vừa nghe, vừa đi vừa đọc báo. Báo chí trong giai đoạn này không chỉ thông tin về hoạt động chiến đấu lao động sản xuất mà còn tham gia vào nhiều hoạt động tuyên truyền và những phong trào lớn của Đảng và Nhà nước ta như: phong trào bình dân học vụ; phong trào chống giặc đói, giặc dốt…”.
Để lại những bài học lớn lao về nghề báo
Báo chí không chỉ đồng hành cùng công cuộc bảo vệ Tổ quốc, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, ngay trong những ngày tháng diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường.
Các bài báo nói về cuộc sống sinh hoạt, tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất; những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên… Mỗi bài viết như thấm mồ hôi, nước mắt, xương máu của những người cầm súng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Nhiều phóng viên, cộng tác viên đã bất chấp hiểm nguy trên chiến trường, có mặt tại những điểm nóng, khai thác những chi tiết hay nhất, độc nhất.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Chúng ta cứ ngỡ rằng khó khăn gian khổ thì báo chí sẽ chỉ hoạt động được ở một chừng mực nào đó. Nhưng trên thực tế, qua nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, chúng tôi thấy rằng, giai đoạn này, số lượng, quy mô đều để lại những bài học rất lớn trong nghề báo, lớn nhất đó là sự quyết tâm, là sự mạnh mẽ, sự phát triển trong mọi bối cảnh, trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.
“Với tinh thần đoàn kết một lòng, các cơ quan thông tấn đều xung trận, làm báo trong bối cảnh kháng chiến cực kỳ khó khăn, cực kỳ thiếu thốn, dù là nhà tranh vách nứa, dù trèo đèo lội suối phải tự làm giấy… Những câu chuyện không thể nói hết được những khó khăn vất vả mà các thế hệ nhà báo trong kháng chiến chống Pháp đã vượt qua, từ đó để đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi tác phẩm báo chí, mỗi tờ báo trở thành món ăn tinh thần vô giá đối với bộ đội ta ngay trong điều kiện chiến đấu khó khăn, thiếu thốn và gian khổ nhất. Đối với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chúng tôi rất biết ơn những người không chỉ đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, mốc vàng son trong lịch sử dân tộc” – nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ thêm.
Có thể nói, ngày nay, mỗi khách tham quan Bảo tàng Báo chí, được nhìn ngắm những hiện vật, những tư liệu về kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng sẽ càng thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Mỗi hiện vật được trưng bày sẽ là mỗi câu chuyện mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn tri ân đến thế hệ đi trước và truyền lại cho thế hệ sau…
Vũ Phong