NINH BÌNH Để được cấp chứng nhận hữu cơ cho hoa cúc chi dùng chế biến trà thảo dược, Hợp tác xã Riti phải tuân thủ các quy trình sản xuất vô cùng nghiêm ngặt.
Tay ngang làm nông nghiệp hữu cơ
Tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải nhưng chàng trai trẻ Hoàng Minh Thành lại mang trong mình tình yêu mãnh liệt với nông nghiệp. Tình yêu đó khai nở từ tấm bé và lớn lên theo năm tháng khi anh học được từ mẹ mình (kỹ sư nông nghiệp) những kiến thức và niềm cảm hứng với nông nghiệp. Với đam mê ấy, Thành đã đưa ra một quyết định khiến ai cũng bất ngờ là bỏ phố về quê làm nông nghiệp.
Nhận thấy dòng trà thảo dược ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, Thành ấp ủ dự định tạo cho riêng mình một thương hiệu. Năm 2020, sau một thời gian chuẩn bị, thử nghiệm, HTX Riti do Thành làm Giám đốc chuyên sản xuất hoa cúc chi hữu cơ được thành lập.
Để tạo ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo đúng các yêu cầu của các tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ, HTX đã di chuyển vùng trồng tại xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) về thôn Bái, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan, Ninh Bình) để tránh những tác động tiêu cực từ vùng phi hữu cơ xung quanh.
Đặt chân lên vùng đất mới, HTX siết chặt quản lý tất cả các khâu, xây dựng hàng rào tiêu chuẩn, đào hệ thống kênh bao để cách ly với xung quanh. Diện tích canh tác cũng được mở rộng lên gần 2,5ha.
Anh Thành chia sẻ, chuyển ngang sang làm nông nghiệp, lại bắt tay ngay vào sản xuất hữu cơ – một loại hình khá mới, yêu cầu kiến thức, sự chuẩn chỉ, kiên nhẫn rất cao nên thách thức không hề nhỏ. Bên cạnh đó, hình thức sản xuất này tốn nhiều chi phí nên đẩy giá bán sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh trên thị trường, trong khi thương hiệu của HTX còn khá xa lạ với nhiều người.
Không chùn bước, các thành viên HTX kiên trì giới thiệu quy trình canh tác, sẵn sàng đón khách hàng đến thăm khu vực sản xuất nếu có nhu cầu. Nhờ đó, sản phẩm hoa cúc chi thô và chế biến của HTX ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, tìm đến đặt hàng.
Đạt chứng nhận hữu cơ đã khó, giữ được càng khó hơn
Việc cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường trong nước chưa làm một người trẻ, nhiều năng lượng, khát khao như Thành cảm thấy thỏa mãn. Sản phẩm trà hoa cúc chi hữu cơ mang thương hiệu Riti phải có trên kệ hàng ở các thị trường ngoài nước.
Suy nghĩ đó nhanh chóng biến thành hành động khi HTX dành toàn bộ nguồn lực, tâm sức để giữ vững chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ đã được cấp và vươn lên đạt được các chứng nhận hữu cơ quốc tế. Đây là điều không hề dễ dàng khi các yêu cầu đặt ra vô cùng khắt khe. Chứng nhận hữu cơ sau 2 năm phải tiến hành đánh giá lại, nếu không đảm bảo sẽ bị thu hồi. Do đó, mọi khâu trong sản xuất được quản lý rất chặt chẽ.
Về cây giống, nếu HTX không giữ được giống sản xuất trong vùng được chứng nhận hữu cơ thì chỉ được sử dụng giống mua ở những đơn vị có chứng nhận hữu cơ tương đương. Trường hợp không có, phải mua giống từ các vùng phi hữu cơ thì không được sử dụng trực tiếp mà phải chuyển về vùng trồng đệm của HTX, sau 1 năm mới chuyển về vùng trồng hữu cơ.
Về phân bón, tuyệt đối không dùng các loại vật tư đầu vào hóa học. Thậm chí phân bón hữu cơ vi sinh được cấp phép theo các tiêu chuẩn nếu không phù hợp với tiêu chuẩn canh tác hữu cơ 11041-2:2017 cũng không được dùng cho khu vực canh tác của HTX.
Để khắc phục điều này, HTX xây dựng khu vực sản xuất phân bón riêng biệt để ủ phân bò bằng phương pháp hiếu khí (compost). Sau 40 – 45 ngày, phân hoai mục, chuyển màu cà phê, một phần sẽ được sử dụng để cải tạo đất, một phần dùng để nuôi trùn quế. Việc phối trộn phân chuồng ủ hoai mục và phân trùn quế dùng cho cây trồng giúp HTX tận dụng được tối đa hệ vi sinh vật ưa nhiệt độ cao (30 – 80 độ C trong phân ủ) và thấp (phân giun 10 – 30 độ C) để quản lý mầm bệnh trong đất, hạn chế thấp nhất sâu bệnh hại và sử dụng thuốc BVTV. Những khu vực thiếu lân hoặc pH thấp được sử dụng phân lân nung chảy Ninh Bình thay thế phân đơn để khắc phục (phân lân nung chảy Ninh Bình được phép sử dụng cho vùng trồng hữu cơ).
Về quản lý sâu bệnh gây hại, HTX thực hiện theo nguyên tắc “chiếm chỗ”, sử dụng vi nấm, vi khuẩn có lợi ức chế có hại. Đối với rệp sáp, rệp vừng sẽ dựa vào nguồn bọ rùa tự nhiên để kiểm soát. Đối với bọ trĩ ẩn mình trong hoa sẽ sử dụng phương pháp sấy lạnh, quạt thổi để loại bỏ. Bệnh thối rễ do vi khuẩn dùng vi nấm đối kháng để kiểm soát. HTX nhân hệ vi sinh trong phân trùn quế với số lượng cực đại (cho ăn mật mía, sục bằng oxy) rồi đẩy theo đường ống tưới nhỏ giọt ra ruộng trồng, thấm vào đất để ức chế vi khuẩn.
Về nguồn nước, HTX đào hệ thống ao chứa và cấp nước phía trong kênh bao để tránh rủi ro do tàn dư thuốc BVTV của những hộ dân xung quanh xả xuống nguồn nước.
Theo anh Thành, để đạt được các chứng nhận hữu cơ đã khó nhưng việc giữ, duy trì được chứng nhận lại càng khó hơn. Do đó, nếu không có sự quyết tâm, kiên trì sẽ khó có thể làm được. Hiện tại, mặc dù đã được cấp chứng nhận hữu cơ Việt Nam nhưng HTX vẫn liên tục lấy mẫu phân tích theo các tiêu chuẩn USDA, JAS… với hơn 1.000 hoạt chất để tiến tới đạt được những chứng nhận này để đủ tiêu chuẩn để đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính.
“Việc đạt được các chứng nhận hữu cơ không phải chạy theo thành tích hay đánh bóng tên tuổi vì những chứng nhận này rất khó để đạt được, tốn kém nhiều chi phí. Tuy nhiên, HTX vẫn thực hiện vì mong muốn khôi phục lại được dòng trà dược liệu ở một chất lượng cao hơn. Đồng thời, khẳng định Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm có chất lượng vươn tầm thế giới”, anh Thành bộc bạch.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/kham-pha-trang-trai-trong-hoa-cuc-chi-huu-co-voi-quy-trinh-cuc-nghiem-ngat-d386755.html