Những chiếc cổng tượng trưng cho các hành tinh của dự án Hệ mặt trời trong lòng Hà Nội đã thay đổi lịch trình đi công viên Thống Nhất của bé Phương Mai, 7 tuổi. Thoạt tiên, em chỉ định đến đó đi tàu lượn. Nhưng rồi, hai mẹ con em gặp chú hướng dẫn viên thiên văn với bộ quần áo mô phỏng phi hành gia và đi theo. Hành trình khám phá hệ mặt trời của em bắt đầu. “Mẹ con tôi tình cờ tới, thấy chú hướng dẫn và đông bạn nhỏ thì đi theo. Con thích nghe chú kể về hành tinh”, mẹ của Phương Mai nói.
Bài hướng dẫn của hướng dẫn viên Lương Cao Quý là những câu hỏi, câu chuyện xinh xắn về các hành tinh. Sao Hỏa được gọi tên như vậy vì người Á Đông xưa nhìn lên thấy nó có màu đỏ. Có màu đỏ đó vì trên hành tinh này có rất nhiều đá oxit sắt với màu đỏ đặc trưng. Màu đỏ đó gần với lửa trong con mắt phương Đông nên ngôi sao này có tên như vậy. Nhưng với phương Tây, họ lại cho rằng nó gần màu máu. Vì thế, họ gọi hành tinh này bằng tên thần chiến tranh Mars…
Hệ mặt trời trong lòng Hà Nội là tên tiếng Việt của dự án Our Place in Space (Vị trí của chúng ta trong không gian). Theo đó, một cung đường với các cổng tượng trưng cho các hành tinh trong hệ mặt trời được xây dựng. Bên cạnh hướng dẫn viên, người tham gia cũng có thể tải ứng dụng Our Place in Space để xem thông tin về các hành tinh này trên điện thoại.
Hệ mặt trời trong lòng Hà Nội được nghệ sĩ Oliver Jeffers và nhà thiên văn học Giáo sư Stephen Smartt thiết kế. Dự án do tổ chức Nghệ thuật truyền thông đa phương tiện sáng tạo hàng đầu của Bắc Ireland, Nerve Centre và doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Việt Nam) tổ chức. Trước đó, Our Place in Space cũng được xây dựng ở Anh và thu hút trải nghiệm trong suốt năm 2022 và 2023.
Các hành tinh trong hệ mặt trời được tái hiện tại công viên Thống Nhất với tỷ lệ tỷ lệ 1: 591 triệu so với thực tế. Mô hình mặt trời sẽ chỉ có đường kính 2,35 m, và trái đất là 2,2 cm còn sao Diêm vương (Pluto) chỉ 4 mm. Mỗi hành tinh sẽ được gắn trên một khung cổng vòm lớn đầy màu sắc. Đi hết các hành tinh tại công viên Thống Nhất, các em có thể đi tiếp hành trình khám phá tại hồ Hoàn Kiếm và công viên Bách Thảo tùy thích.
Ông David Lewis, Giám đốc sản xuất tại Nerve Centre chia sẻ, những cổng hành tinh này giúp người trải nghiệm có cái nhìn khác về hệ mặt trời. “Nó giúp chúng ta khám phá ý nghĩa đời sống trên trái đất vào thời điểm hiện tại và cách chúng ta có thể sẻ chia và bảo vệ hành tinh này trong tương lai”, ông nói.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc PR của Think Playgrounds, cho biết: “Trẻ em vốn yêu thích vũ trụ một cách tự nhiên”. Vì thế, ông cũng không ngạc nhiên khi trong nhóm khách du lịch Hệ mặt trời trong lòng Hà Nội có rất nhiều em trả lời đúng các câu hỏi khó về hành tinh. Theo ông Đạt, vì yêu thích, các em sẽ đọc sẽ xem tư liệu về vũ trụ và nhớ rất nhanh. Cung đường điêu khắc Our Place in Space và các sự kiện liên quan sẽ thúc đẩy sự khám phá và truyền cảm hứng cho sự trân trọng hành tinh của tất cả những người trải nghiệm.
Bên cạnh đó, cũng có những điểm vui chơi đặt trên cung đường. Khu vực sách với nhiều cuốn sách về thiên văn, vũ trụ do công ty Nhã Nam thực hiện. Khu STEM với nhiều thí nghiệm được tổ chức dưới dàn cây, khu vực hướng dẫn làm mô hình vũ trụ từ nguyên liệu tái chế… Bố mẹ có thể cùng con trải nghiệm thử thách làm slime (một chất co giãn). Điều này được gắn với câu chuyện sau vụ nổ Big Bang 13,8 tỷ năm trước, vũ trụ sơ khai phình to và tiếp tục giãn nở. Các em cũng được hướng dẫn tạo dòng điện từ củ quả…
Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia của British Council tại Việt Nam cho biết, Hệ Mặt trời trong lòng Hà Nội, nhưng không chỉ là một cung đường. “Đó còn là sự khám phá về vị trí của chúng ta trong vũ trụ, một cơ hội để suy nghĩ về sự tồn tại của chúng ta dưới một lăng kính độc đáo trên nhiều lĩnh vực cùng sự kết nối cộng đồng rộng lớn”. Bà cũng cho biết đây là hoạt động quan trọng trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam.