Nam bệnh nhân 30 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh, cao 177 cm, nặng 109 kg, kề cận mức béo phì nguy hiểm, chưa từng khám sức khỏe trước đó, phát hiện đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ độ 3, tăng men gan.
Nếu tiếp tục chủ quan, trì hoãn không đi khám, bệnh nhân có thể phải nhập viện cấp cứu do các biến chứng cấp tính như nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường, viêm tụy cấp… Nguy cơ nặng nhất là hôn mê, phù não, thậm chí tử vong.
Ảnh minh họa |
Các chỉ số xét nghiệm đường máu đói của người bệnh là 15.5 mmol/L, định lượng HbA1c là 12.7% gấp hơn 2 lần so với ngưỡng cuối chỉ số trung bình, chỉ số đánh giá sức khỏe tim mạch Triglyceride là 17.6 mmol/L gấp 10 lần ngưỡng trung bình, chỉ số men gan GGT là 202 U/L gấp 3 lần mức bình thường, mỡ nội tạng 164,2 cm2. Đây là các biến chứng do bệnh lý béo phì không được chẩn đoán kịp thời và điều trị.
Trước các chỉ số báo động, bệnh nhân phải nhập viện và điều trị tích cực bằng bù dịch, tiêm insulin phác đồ 4 mũi/ngày, kết hợp dùng thuốc viên điều trị đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ và các triệu chứng cấp tính khác.
Sau 7 ngày, người bệnh đã đỡ mệt, các triệu chứng cải thiện. Bệnh nhân được xuất viện và tiếp tục theo dõi, điều trị tại nhà với phác đồ giảm cân phù hợp kết hợp xử trí các biến chứng.
Ngoài chế độ thuốc, bệnh nhân còn được bác sỹ hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp thể dục thể thao đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Hai tháng sau điều trị, bệnh nhân đã giảm được 9kg; vòng eo giảm 10cm, vòng hông giảm 9 cm. Đặc biệt các chỉ số báo động cấp tính trước đây đã biến mất, đường máu ở mức 4,79 mmol/l, HbA1c về mức 7,16% (gần đạt mục tiêu điều trị), Triglycerid 1.4 mmol/l, men gan và cholesterol về ngưỡng bình thường.
Người bệnh không cần tiêm 4 mũi insulin, chỉ duy trì 2 nhóm thuốc viên để kiểm soát đường huyết, tình trạng thể lực và sức khỏe, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn nhiều. Bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe định kỳ để điều chỉnh thuốc kết hợp với ăn uống, vận động, ngủ nghỉ khoa học hợp lý.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 1,9 tỷ người thừa cân béo phì, trong đó một tỷ người béo phì trên toàn cầu, ước tính tăng thêm khoảng 167 triệu người năm 2025. Tỷ lệ mắc béo phì của Việt Nam không cao so với khu vực nhưng tốc độ tăng đang nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á, ở mức 38%.
Béo phì đi kèm với nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy, những người có chỉ số BMI trên 30 có nguy cơ cao mắc một hay nhiều bệnh cùng lúc như viêm khớp gối, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, gan nhiễm mỡ không do rượu, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, trầm cảm nặng, hội chứng buồng trứng đa nang, thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, đột quỵ và tăng nguy cơ ung thư.
Theo bác sỹ Vũ Thùy Thanh, Trung tâm Kiểm soát cân nặng & Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trong số những bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám sức khỏe vì mệt mỏi hoặc vì các bệnh lý Nội tiết tỷ lệ người thừa cân, béo phì chiếm tới 56%.
Tại Trung tâm kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì Tâm Anh số người kết hợp điều trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa chiếm 78%, số người đến khám béo phì phát hiện bệnh chiếm 77%.
Cân nặng có mối quan hệ trực tiếp đến chỉ số đường và mỡ trong cơ thể, tuy nhiên người bệnh thường ít quan tâm do không có triệu chứng đặc hiệu.
BMI càng cao thì nguy cơ tiền đái tháo đường và đái tháo đường cũng tăng. Mỡ tích tụ quá nhiều ở vùng bụng có thể là dấu hiệu đề kháng insulin, cản trở quá trình chuyển hóa đường, gây rối loạn về đường huyết.
Theo bác sỹ Thanh sai lầm khi thừa cân, béo phì nhưng không đi khám và kiểm tra sức khỏe, hệ lụy nhiều người mắc bệnh mà không biết, lúc tình trạng nặng lên và biến chứng dẫn tới khó khăn trong điều trị.
Bác sỹ khuyến cáo những người thừa cân, béo phì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện nguyên nhân và tầm soát sớm các biến chứng.
Giữ cân nặng ở mức vừa phải, thay đổi lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa đái tháo đường, ngăn các biến chứng khác. Người béo phì thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao cần có kế hoạch ăn uống điều độ kết hợp luyện tập hợp lý để điều chỉnh cân nặng, phòng bệnh.
Điều trị giảm cân cần được thực hiện khoa học, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ giàu kinh nghiệm, phối hợp nhiều chuyên khoa, để đạt hiệu quả tối ưu.
Nguồn: https://baodautu.vn/kham-beo-phi-phat-hien-gan-nhiem-mo-dai-thao-duong-d227562.html