Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội thăm quan sản phẩm làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Hà Nội với trên 1.300 làng có nghề đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đến hết năm 2024, toàn thành phố có trên 3000 sản phẩm OCOP đã được đánh giá đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Mỗi sản phẩm OCOP là kết tinh sáng tạo, tài hoa của mỗi nghệ nhân làng nghề để từ đó quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước từ đó nâng cao giá trị làng nghề của Hà Nội.
Cơ sở nem thính Huy Huệ, xã Đại Thành đã phát triển được 6 năm. Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ cơ sở nem thính Huy Huệ chia sẻ: Với mong muốn mở rộng thị trường, bán các sản phẩm của cơ sở vào các nhà hàng dịch vụ tại các địa điểm du lịch không chỉ trong huyện Quốc Oai mà còn trên toàn thành phố, cơ sở cũng đã tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm và đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2024. Đây là tiền đề để cơ sở mở rộng sản xuất, tạo ra các sản phẩm ẩm thực thu hút du khách khi đến du lịch tại địa phương.
Đến làng miến Tân Hòa vào những ngày giáp Tết mới thấy không khí khẩn trương, tấp nập của người dân nơi đây để chuẩn bị hàng cho dịp Tết. Hiện toàn xã có khoảng 60 hộ sản xuất miến dong. Ông Dương Đình Khôi, một trong những người đã thành công khi mang miến làng So ra thế giới với các thị trường chính là: Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ… Mỗi năm Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Dương Kiên thu khoảng 5 triệu USD về cho đất nước và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ông Khôi cũng như 60 hộ dân làng nghề mong muốn được kết nối làng nghề trở thành điểm du lịch để cho khách đến thăm quan và trải nghiệm làng nghề cũng như chiêm ngưỡng cảnh quan quê mình để lan tỏa những sản phẩm miến đi xa hơn nữa, phát triển hơn nữa.
Nằm trong đề án phát triển tua du lịch của huyện Quốc Oai, đình Làng So nổi tiếng trên cả nước bởi sự cổ kính, mang những nét đặc trưng riêng của vùng đồng bằng Bắc Bộ mà nhiều du khách muốn đến thăm quan, nghiên cứu. Ông Vương Đắc Lập, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho hay: Với lợi thế vùng và hơn 170 sản phẩm OCOP đa dạng phong phú đã thực sự lôi cuốn du khách về với mảnh đất Quốc Oai để trải nghiệm và hòa mình vào thiên nhiên cũng như những di tích lịch sử thăng trầm theo năm tháng.
Bà Nguyễn Thu Trang, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai đánh giá: Với nhiều di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, huyện Quốc Oai đang xây dựng đề án tổng thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng của địa phương.
Với lợi thế vùng, Quốc Oai cần tạo ra "cú hích" để đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây. Huyện cần chủ động làm mới sản phẩm, đầu tư nguồn lực để chỉnh trang, cải tạo, tu bổ di tích, xây dựng các tour - tuyến du lịch và tăng cường quảng bá trên các kênh thông tin và nền tảng xã hội nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Nâng cao giá trị làng nghề
Các sản phẩm OCOP từ các làng nghề truyền thống vừa giúp phát triển kinh tế địa phương vừa là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch làng nghề. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Xã Tân Phú, huyện Quốc Oai vốn có nghề mộc Yên Quán truyền thống nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ tinh xảo chuyên sập gụ, tủ chè, các tác phẩm gỗ nghệ thuật và làm các công trình đền chùa đòi hỏi tay nghề cao. Từ khi triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, toàn xã đã có hơn 30 sản phẩm làng nghề từ 3 sao đến 4 sao đã giúp làng nghề được nhiều người biết đến. Ông Hoàng Doãn Hòa, Chủ tịch Hội Làng nghề Mộc Yên Quán chia sẻ: Trong định hướng phát triển du lịch làng nghề, cùng với việc cải tạo cảnh quan môi trường thì xã Tân Phú cũng đang nỗ lực xây dựng Điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề tạo điểm tham quan, mua sắm, trải nghiệm cho du khách.
Vốn là đất trăm nghề, huyện Thường Tín xác định qua việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm sẽ là cơ hội để quy hoạch nâng tầm phát triển các làng nghề truyền thống của địa phương. Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho hay: Qua 4 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Thường Tín đã có 180 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Trong năm 2024 này, huyện Thường Tín sẽ đánh giá, phân hạng 48 sản phẩm ocop ở tất cả các lĩnh vực, trong đó cơ bản là các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề.
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho hay: Tính đến hết năm 2024, toàn thành phố đã đánh giá phân hạng được trên 3000 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Hà Nội cũng đã mở được trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong số đó có hơn 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề tạo điểm nhấn để quảng bá các sản phẩm nông sản đặc sản, làng nghề truyền thống của mỗi địa phương.
Cùng với việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, Hà Nội cũng tập trung triển khai xây dựng được 10 Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các làng nghề đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương gắn với các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và phát huy tối đa sự tham gia của người dân, các nghệ nhân và sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp.
Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" được Hà Nội xây dựng và triển khai nhằm tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân và phát triển một cách bền vững. Việc phát triển làng nghề gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm và thúc đẩy hoạt động du lịch làng nghề sẽ giúp gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề, thu hút nhiều du khách tham quan mua sắm tìm đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Bình luận (0)